Chứng khoán Mỹ “nín thở” trước cuộc họp Fed, giá dầu lên gần 95 USD/thùng
Mối lo về lãi suất cao hơn lâu hơn, giá dầu tăng và nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/9), khi nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô duy trì xu hướng tăng do mối lo về sự thắt chặt của nguồn cung dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,07%, đạt 4.453,53 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,02%, đạt 34.624,3 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, đạt 13.710,24 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức gần cao nhất 16 năm khi thị trường lo ngại rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Ngoài ra, giá dầu tăng, nguy cơ Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa sau 2 tuần nữa vì vấn đề ngân sách, và cuộc đình công của công nhân ô tô Mỹ dẫn tới lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc giữa lúc lạm phát vẫn còn cao.
“Nhà đầu tư đang lo lắng về tình hình nền kinh tế, và mối lo này có liên quan trực tiếp đến việc Fed tăng lãi suất”, chiến lược gia trưởng Tim Ghriskey của công ty Ingalls & Snyder nói với hãng tin Reuters.
Về cuộc họp ngày 19-20/9 của Fed, thị trường đang đặt cược khả năng khoảng 99% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Fed tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay, và đó là điều khiến thị trường ít nhiều bất an.
“Fed chắc là sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này. Nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ tính toán theo từng cuộc họp một, và có thể vẫn tăng lãi suất thêm trừ phi tình hình lạm phát có sự cải thiện đáng kể”, ông Ghriskey nói.
Giá dầu thô Brent đang tiến gần đến mốc 95 USD/thùng, sau khi tăng mạnh trong tuần trước nhờ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự thắt chặt nguồn cung do Saudi Arabia và Nga giảm sản lượng, cộng thêm sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ.
Theo chiến lược gia Marc Chandler của công ty Bannockburn Global Forex, giá dầu tăng có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải thắt lưng buộc bụng, nhất là trong bối cảnh việc sinh viên vay tiền ăn học sẽ bắt đầu phải trả nợ trở lại từ tháng 10, sau một thời gian được hoãn nợ theo chính sách của Chính phủ Mỹ. Khi tiêu dùng thắt lại, nền kinh tế dễ mất đà, trong khi giá năng lượng lên cao làm gia tăng áp lực lạm phát, từ đó khiến Fed phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
“Giá dầu tăng là một loại thuế đối với tiêu dùng. Hầu hết các cuộc suy thoái kinh tế từ thập niên 1970 đến nay đều xảy ra sau một cú sốc giá dầu, thường là khi giá dầu tăng gấp đôi”, ông Chandler nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức hơn 4,31%, cách không xa mức gần 4,37% - cao nhất kể từ năm 2007 - thiết lập vào hôm 22/8. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm vượt mức 5%. Thị trường cho rằng Fed có thể giữ lãi suất trên 5% cho tới tháng 7/2024.
“Với lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, không thể loại trừ khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa trước khi chuyển sang cắt giảm lãi suất, cho dù thị trường mong muốn Fed dừng tăng ở đây”, giám đốc đầu tư Saira Malik của Nuveen nhận định trong một báo cáo.
Ngoài cuộc họp của Fed, tuần này còn có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào ngày thứ Năm và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày thứ Sáu. Trong đó, BOE được dự báo tăng lãi suất lần thứ 15, đưa lãi suất cơ bản của đồng bảng lên 5,5%.
Về cuộc họp của BOJ, bất kỳ tín hiệu nào về việc dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhanh hơn dự báo đều có thể đưa tỷ giá đồng yên tăng mạnh.
Phiên ngày thứ Hai, đồng USD giảm giá gần 0,2% so với yên, còn 147,58 yên đổi 1 USD. Đồng euro tăng 0,3% so với USD, đạt 1,069 USD đổi 1 euro, sau khi đồng euro giảm giá xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi trong tuần trước sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu có thể dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,71 USD/thùng, chốt ở 91,48 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,5 USD/thùng, chốt ở 94,43 USD/thùng.
Tính đến tuần trước, giá cả hai loại dầu đã tăng 3 tuần liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11. Giá dầu đang trên đà hoàn tất quý tăng mạnh nhất kể từ quý 1/2022 - thời điểm nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Giá dầu Brent đã ở trạng thái “mua quá nhiều” (overbought) suốt 7 phiên liên tiếp, còn giá dầu WTI đã có 5 phiên liên tiếp ở trạng thái như vậy.
Ngày thứ Hai, Citi trở thành ngân hàng mới nhất dự báo giá dầu Brent có thể vượt 100 USD/thùng trong năm nay. CEO Mike Wirth của hãng dầu lửa Chevron cũng dự báo giá dầu sẽ sớm vượt mốc 100 USD/thùng.