07:58 08/02/2025

Chứng khoán Mỹ sụt mạnh vì mối lo thuế quan, giá dầu giảm 3 tuần liên tiếp

Bình Minh

Các chỉ số bắt đầu chuyển hẳn sang sắc đỏ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có ý định áp thuế quan có đi có lại...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/2), khi mối lo thuế quan và những số liệu kinh tế thiếu đồng nhất khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Giá dầu thô tăng nhẹ nhưng hoàn tất tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 444,23 điểm, tương đương giảm 0,99%, còn 44.303,4 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,95%, còn 6.025,99 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,36%, còn 19.523,4 điểm.

Phiên giảm này khiến cả ba chỉ số cùng giảm trong tuần này.

Các chỉ số bắt đầu chuyển hẳn sang sắc đỏ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có ý định áp thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Điều này có nghĩa là mức thuế quan của Mỹ sẽ tăng lên để cân bằng với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ.

“Tôi sẽ công bố thương mại có đi có lại vào tuần tới, để chúng tôi được đối xử bình đẳng với các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp báo và đưa ra kế hoạch một cách tương đối đơn giản”, ông Trump nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, người đang có chuyến thăm Mỹ.

Từ trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố này, thị trường đã ngấp nghé trạng thái giảm vì một số dữ liệu tiêu dùng và việc làm cho thấy khả năng tăng tốc của lạm phát và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh, có lúc vượt 4,5%.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 giảm còn 67,8 điểm, thấp hơn mức 71,3 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là việc bản báo cáo cho thấy người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát kỳ vọng rằng tốc độ lạm phát ở Mỹ trong 1 năm tới sẽ tăng lên 4,3% - cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức điểm của tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.

Một báo cáo quan trọng khác được công bố trong ngày thứ Sáu là báo cáo việc làm tháng 1 đến từ Bộ Lao động Mỹ. Báo cáo cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng trước là 143.000 công việc, ít hơn nhiều so với dự báo 169.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Dù vậy, báo cáo cũng có những con số nóng hơn kỳ vọng, đặt ra rủi ro lạm phát dai dẳng và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó giảm lãi suất. Đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4% từ mức 4,1% của tháng trước do số người tham gia tìm việc giảm xuống, dẫn tới tiền lương theo giờ tăng mạnh hơn dự báo.

Gây áp lực giảm lên thị trường trong phiên này còn có cổ phiếu Amazon với mức giảm 4%. Dù Amazon công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn dự báo, nhà đầu tư vẫn xả mạnh cổ phiếu của công ty do mức dự báo tăng trưởng doanh thu quý 1/2025 mà “đế chế” thương mại điện tử đưa ra chỉ ở mức 5-9%, thấp nhất trong lịch sử. Cổ phiếu Alphabet giảm 3,2%, nối tiếp xu hướng giảm từ trước đó do kết quả kinh doanh cũng có những điểm gây thất vọng.

“Nhà đầu tư đang đối diện với một vài sự thất vọng ở nhóm Magnificent 7, nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hiếm khi gây thất vọng. Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến một vài sự dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu này. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ rơi vào trạng thái thị trường giá xuống, nhưng có thể sẽ đối mặt với sự biến động tăng lên và một số thất vọng trong ngắn hạn”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong tuần này, với các chỉ số sụt giảm trong phiên ngày thứ Hai sau khi ông Trump áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng áp thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico những sau đó trì hoãn 1 tháng việc áp thuế này. S&P 500 tăng điểm trong các phiên ngày thứ Ba, Tư và Năm, trước khi giảm trở lại trong phiên ngày thứ Sáu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,37 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở mức 74,66 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,39 USD/thùng, tương đương tăng 0,55%, chốt ở mức 71 USD/thùng.

Tuy nhiên, cả tuần giá dầu Brent giảm 3% và giá dầu WTI giảm khoảng 2%.

Dầu tăng giá phiên này sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào hôm thứ Năm tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt mới lên những cá nhân và tàu chở dầu hỗ trợ việc vận chuyển mỗi năm hàng triệu thùng dầu thô của Iran tới Trung Quốc. Động thái này là một bước đi nhỏ nhằm mục đích gia tăng sức ép lên Iran.

“Ông Trump đã nói nhiều về việc gây áp lực tối đa lên Iran. Thị trường xem đó là một tuyên bó khá nghiêm túc”, nhà nghiên cứu Michael Haigh của ngân hàng Sociel General nhận định, dự báo rằng xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ giảm một nửa. Một sự suy giảm nguồn cung như vậy sẽ hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, ông Haigh nói thêm rằng giá dầu đang đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu xấu đi do cuộc chiến thuế quan - nhất là nhu cầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và đang chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

“Áp lực giảm giá dầu xuất phát từ dòng thông tin về thuế quan, với mối lo về một cuộc chiến thương mại làm suy yếu nhu cầu dầu”, một báo cáo của công ty BMI nhận định.