Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, giá dầu “bay” 5% vì IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Phiên tăng này của Phố Wall diễn ra bất chấp lãi suất tiếp tục đi lên, và đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư không tin sẽ có một đợt tăng bền vững...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi các nhà giao dịch bước vào giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 và tiếp tục theo dõi các diễn biến của lãi suất. Giá dầu thô sụt giảm mạnh vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mạnh tay cắt giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 499,51 điểm,tương đương tăng 1,45%, chốt ở 34.911,2 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,61%, đạt 4.462,21 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,15%, đạt 13.619,66 điểm.
Chứng khoán Mỹ đã chịu nhiều áp lực giảm trong thời gian gần đây, với S&P 500 đã giảm 2 tuần liên tiếp. Nhưng trong phiên này, nhà đầu tư gia tăng nắm giữ các tài sản rủi ro. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ chốt phiên với mức tăng 2,1%.
“Tâm lý và trạng thái trên thị trường hiện đều rất bi quan. Chúng tôi đang giảm nhẹ phân bổ vốn vào cổ phiếu từ mức kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin vào cổ phiếu và cho rằng có thể có một đợt phục hồi trong ngắn hạn, nhất là ở những cổ phiếu vốn hoá nhỏ”, chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase nhận định.
Phiên tăng này của Phố Wall diễn ra bất chấp lãi suất tiếp tục đi lên, và đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư không tin sẽ có một đợt tăng bền vững – theo chiến lược gia Andrew Smith của Delos Capital Advisors. “Tôi nghĩ rằng đây chẳng qua là một đợt dịch chuyển vốn giữa các nhóm cổ phiếu. Việc cổ phiếu công nghệ tăng ngày hôm nay trong lúc lợi suất trái phiếu vẫn tăng là một điều bất thường”, ông Smith nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 2,94%, cao nhất kể từ năm 2018. Kỳ vọng Fed nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục đi lên trong thời gian gần đây.
Các báo cáo tài chính công bố ngày thứ Ba chủ yếu chỉ tác động đến cổ phiếu của doanh nghiệp báo cáo. Hãng dược Johnson & Johnson đưa ra lợi nhuận vượt dự báo nhưng doanh thu không đạt kỳ vọng, và giá cổ phiếu tăng 3%. Hãng đồ chơi trẻ em Hasbro chứng kiến giá cổ phiếu tăng 5% dù lợi nhuận kém hơn dự báo.
Về dữ liệu kinh tế, số nhà mới khởi công và số giấy phép xây dựng trong tháng 3 đều vượt dự báo. “Đến nay, các dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn khá vững vàng. Sức mạnh nền tảng của nền kinh tế vẫn tốt cho dù có nhiều dự báo suy thoái”, chiến lược gia Angelo Kourkafas của Edward Jones nhận định.
Giá dầu thô và khí đốt cùng giảm mạnh đã giúp ích cho tâm lý của nhà đầu tư phiên này, khi mối lo về vấn đề lạm phát được giải toả phần nào.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 5,22%, còn 107,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 5,2%, còn 102,56 USD/thùng.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 gần 1 điểm phần trăm, trên cơ sở tác động tiêu cực từ chiến tranh Nga-Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng lạm phát đang là một “nguy cơ rõ ràng và hiện hữu” đối với nhiều quốc gia.
Phiên giảm này của giá dầu diễn ra bất chấp một tài liệu do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy sản lượng dầu của khối OPEC+ trong tháng 3 thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Trong đó, Nga chỉ sản xuất được 10,018 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3, ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước thành viên ngoài khối gồm Nga.
Ngoài báo cáo của IMF, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ việc đồng USD ở vùng giá cao nhất trong 2 năm. Bên cạnh đó, phong toả chống Covid ở Trung Quốc tiếp tục đặt ra sức ép giảm lên giá dầu.
Thị trường dầu vẫn đang bất an trước khả năng Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận dầu Nga. Phát biểu ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói EU đang tiếp tục thảo luận về một biện pháp trừng phạt như vậy.