12:01 24/10/2022

Cuộc khủng hoảng trên thị trường kim loại đồng Trung Quốc

An Huy

Giờ đây, kho ngoại quan đồng của Trung Quốc gần như trống trơn. Dòng chảy vào ra từng mạnh mẽ ở kho đồng trị giá hàng tỷ USD này đã gần như không còn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Trong vòng 15 năm trở lại đây, giữ vai trò trọng tâm của thị trường kim loại đồng toàn cầu là một dãy nhà kho đặt ở khu tự do thương mại Thượng Hải, Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, các nhà giao dịch kim loại từ London cho tới Lima đều bị chi phối bởi dòng chảy vào ra ở kho ngoại quan kim loại đồng với quy mô khổng lồ nói trên. Nơi này là trung tâm của thị trường trị giá hàng tỷ USD của hoạt động giao dịch đồng kiểu mua bán sang tay nhận tiền mặt, và cũng là nơi mà các công ty Trung Quốc dùng số đồng mà họ có làm tài sản thế chấp để vay vốn với lãi suất rẻ. Chợ đồng Thượng Hải sôi nổi đến mức nhiều nhà phân tích chỉ chuyên việc đánh giá và ước tính quy mô của kho đồng lớn nhất thế giới này.

KHO ĐỒNG BỖNG TRỞ NÊN TRỐNG TRƠN

Nhưng giờ đây, kho ngoại quan đồng của Trung Quốc gần như trống trơn. Dòng chảy vào ra từng mạnh mẽ ở kho đồng này đã gần như không còn, và hai nhà cung cấp tài chính chủ đạo cho hoạt động mua bán kim loại ở đây là ngân hàng JPMorgan Chase và ngân hàng ICBC Standard Bank cùng dừng việc cấp vốn mới cho các công ty giao dịch đồng. Nhiều nhà giao dịch và nhân viên ngân hàng khi được Bloomberg hỏi đều tin rằng giao dịch đồng ở kho ngoại quan đồng Thượng Hải đã “chết lâm sàng”. Một số dự báo lượng đồng tồn kho ở đây có thể giảm về 0 hoặc gần 0.

Ảnh hưởng của sự tê liệt nói trên được cảm nhận trên thị trường đồng toàn cầu, vì Trung Quốc - nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới - bất ngờ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đồng ngắn hạn, vào đúng thời điểm mà lượng đồng tồn kho trên toàn cầu vốn dĩ đang ở mức thấp so với bình quân lịch sử. Thị trường đồng Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thắt chặt nhất trong hơn 1 thập kỷ, thể hiện qua việc các nhà giao dịch phải trả mức chênh lệch lớn để có hàng ngay.

Cuối tuần này, các nhà khai mỏ, nhà giao dịch và nhà cung cấp tài chính cho giao dịch kim loại từ khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ về London để dự hội nghị thường niên LME Week của sàn giao dịch LME. Họ đều có chung quan điểm thận trọng về triển vọng ngắn hạn của giá đồng, xét tới nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giá đồng rất có khả năng tăng vọt khi tình hình kinh tế vĩ mô có sự khởi sắc. Và nếu không có sự cải thiện của lượng đồng tồn kho ở kho ngoại quan ở Thượng Hải, bất kỳ sự gia tăng nào của nhu cầu tiêu thụ đồng ở Trung Quốc đều có thể gây hiệu ứng tăng giá bùng nổ trên thị trường toàn cầu.

“Thị trường đồng vật chất đang rất thắt chặt, giống như một căn phòng chứa đầy thuốc súng vậy. Bất kỳ mồi lửa nào cũng có thể khiến cho mọi thứ nổ tung”, CEO David Lilley của quỹ phòng hộ Drakewood Capital Management nhận định. Nếu không có nhà kho đồng ngoại quan ở Thượng Hải, “chúng ta giống như sống mà không có mạng lưới an sinh vậy”.

Lượng đồng tồn kho ở kho ngoại quan Thượng Hải. Đơn vị: triệu tấn - Nguồn: Bloomberg.
Lượng đồng tồn kho ở kho ngoại quan Thượng Hải. Đơn vị: triệu tấn - Nguồn: Bloomberg.

Kho ngoại quan vốn là nơi đồng được cất giữ trước khi thuế nhập khẩu được đóng. Kho ngoại quan đồng ở Thượng Hải bắt đầu thu hút sự chú ý của thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi giá đồng sụt giảm, các nhà giao dịch Trung Quốc đã gom mua gần như toàn bộ số đồng mà họ tiếp cận được, một phần nhờ lượng tiền kích cầu khổng lồ mà Chính phủ Trung Quốc bơm vào thị trường. Kể từ đó, diễn biến giá đồng trở thành một chỉ báo hàng đầu về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự không thể tiêu thụ hết số đồng đó, ít nhất là ngay tại thời điểm đó. Thay vào đó, các nhà giao dịch đồng của nước này chuyển số đồng mà họ mua được vào kho ngoại quan ở Thượng Hải, rồi dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Việc Chính phủ Trung Quốc mở rộng tín dụng để hỗ trợ thương mại và đầu tư hạ tầng đồng nghĩa với các công ty giao dịch đồng dễ dàng vay tiền dựa trên tài sản thế chấp là đồng. Nhờ vậy, kho đồng trở thành chỗ dựa để họ vay vốn ngắn hạn.

Số tiền vay được lại được tái đầu tư vào những lĩnh vực khác, chẳng hạn vào thị trường bất động sản đang tăng trưởng nóng ở thời điểm đó. Nhiều công ty Trung Quốc không có mối quan hệ gì với ngành công nghiệp hàng hoá cơ bản thậm chí đã thuê cả đội các nhà giao dịch và nhà tài chính để dấn thân vào cuộc chơi kim loại đồng. Sự thăng trầm của dòng vốn tín dụng của Trung Quốc bắt đầu trở thành động lực lớn ảnh hưởng đến thị trường đồng toàn cầu.

Ở giai đoạn cao điểm vào khoảng năm 2011-2012, kho đồng ngoại quan của Trung Quốc chưa khoảng nửa triệu tấn đồng, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Tháng này, lượng đồng trong kho chỉ còn khoảng 30.000 tấn, thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây - theo dữ liệu từ công ty tư vấn Shanghai Metals Market. Con số này chỉ bằng khoảng 1/10 so với mức 300.000 tấn vào thời điểm đầu năm.

NGUY CƠN KHAN HIẾM ĐỒNG TOÀN CẦU KHI KINH TẾ KHỞI SẮC

Sự suy giảm đã bắt đầu từ mấy năm trước, khi một vụ gian lận lớn tại một nhà kho khổng lồ ở Thanh Đảo khiến nhiều ngân hàng và nhà giao dịch đánh giá lại mức độ rủi ro trong toàn bộ ngành công nghiệp kim loại ở Trung Quốc.

Năm nay, tốc độ sụt giảm được đẩy nhanh hơn do kinh tế Trung Quốc trượt dốc, lãi suất tăng trên toàn cầu, và những vụ thua lỗ khiến nhiều nhà giao dịch trở nên thận trọng. “Giọt nước tràn ly” xuất hiện vào mùa thu này, khi Maike Metals International - công ty giao dịch đồng lớn nhất Trung Quốc và là một doanh nghiệp tham gia rất tích cực vào giao dịch đồng ngoại quan - rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Suốt từ tháng 9 tới nay, JPMorgan và ICBC Standard Bank chưa cấp thêm vốn mới cho các nhà giao dịch đồng ở nhà kho ngoại quan Thượng Hải - nguồn thạo tin tiết lộ và nói rằng hiện chưa rõ bao giờ thì việc cấp vốn được nối lại.

Nguồn tin là các nhà giao dịch đồng vật chất người Trung Quốc đề nghị không tiết lộ danh tính dự báo lượng đồng ở kho ngoại quan sẽ tiếp tục giảm, có thể về 0 hoặc chỉ còn vài trăm tấn, vì các nhà tham gia thị trường đã mất niềm tin vào việc sử dụng đồng làm tài sản thế chấp cho việc huy động vốn hay các mục đích khác.

Có một điều chắc chắn là nhập khẩu đồng và khai thác đồng của Trung Quốc vẫn ở mức cao, mặc sự giảm tốc của nền kinh tế. Vấn đề là số đồng đó không được đưa vào nhà kho ngoại quan.

Dù vậy, hậu quả của sự sụt giảm lượng đồng tồn kho ở kho ngoại quan Thượng Hải đang được cảm nhận rõ rệt trên thị trường. Giá đồng giao ngay trên sàn giao dịch hàng hoá tương lai Thượng Hải trong tháng 10 này cao hơn 2.020 Nhân dân tệ/tấn so với giá đồng giao sau 3 tháng, và đây là mức chênh lệch cao nhất kể từ năm 2005. Chênh lệch của giá đồng vật chất - khoản chênh lệch được trả so với giá của sàn giao dịch để có được đồng vật chất - cũng tăng lên mức cao nhất gần 1 thập kỷ.

Và không chỉ lượng đồng trong kho ngoại quan ở Trung Quốc giảm xuống thấp. Chuyên gia Robert Edwards của CRU Group ước tính rằng lượng đồng tồn kho trên toàn cầu hiện chỉ đủ cho 1,6 tuần tiêu thụ - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 2001.

Lượng đồng tồn kho trên toàn cầu. Đơn vị: tuần tiêu thụ - Nguồn: Bloomberg.
Lượng đồng tồn kho trên toàn cầu. Đơn vị: tuần tiêu thụ - Nguồn: Bloomberg.

Bởi vậy, bất kỳ một sự khởi sắc nào trong triển vọng kinh tế vĩ mô hay sự gia tăng nhu cầu nào của Trung Quốc đều có thể gây ra ảnh hưởng lớn đối với giá đồng toàn cầu.

“Nếu nền kinh tế Trung Quốc thực sự tốt lên một chút, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: ‘Ồ, vậy thì đồng tồn kho đâu?’ Và chúng ta sẽ thấy tồn kho đó chẳng hề tồn tại”, CEO Mark Hansen của công ty Concord Resources nhận định.