Chứng khoán Mỹ tăng hai phiên liên tiếp nhờ cổ phiếu chip, giá dầu giảm vì tin kinh tế ảm đạm
Vai trò dẫn dắt phiên tăng này là cổ phiếu chip, sau khi nhà sản xuất hàng điện tử Foxconn công bố doanh thu quý 4 đạt kỷ lục...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/1), đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp và cho thấy dấu hiệu hồi phục sau khi mất điểm trong tuần trước, nhờ các cổ phiếu chip được nhà đầu tư mua mạnh. Giá dầu thô giảm sau chuỗi 5 phiên tăng, do một vài số liệu gây lo lắng về sức khỏe kinh tế Mỹ và Đức.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,55%, đạt 5.975,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,24%, đạt 19.864,98 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones giảm 25,57 điểm, tương đương giảm 0,06%, chốt phiên ở mức 42.706,56 điểm. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này giảm tới 383 điểm.
Vai trò dẫn dắt phiên tăng này là cổ phiếu chip, sau khi nhà sản xuất hàng điện tử Foxconn công bố doanh thu quý 4 đạt kỷ lục. Cổ phiếu Nvidia đóng cửa với mức tăng 3,4%, ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp và đạt mức cao kỷ lục. Cổ phiếu Broadcom tăng 1,7% và Micron Technology tăng 10,5%.
“Tôi cho rằng thị trường đang khá lạc quan về lĩnh vực công nghệ, kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận 20% từ các công ty công nghệ trong năm nay, so với mức 12,8% của thị trường nói chung. Tuy nhiên, định giá của các cổ phiếu công nghệ cũng có vẻ đang cao. Nhóm này có lẽ khó tăng thêm nếu xét trên hệ số giá/thu nhập dự phóng (P/E), mà sẽ phải tăng dựa trên tăng trưởng lợi nhuận hữu cơ”, trưởng chiến lược Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Ông Stovall dự báo mức độ biến động của thị trường sẽ gia tăng trong năm nay do định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên cao, kỳ vọng về lãi suất và lợi nhuận của các công ty niêm yết có sự thay đổi, và những chính sách mới của chính quyền Trump 2.0. Ngoài ra, lịch sử từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai đã có thấy năm thứ ba của một thị trường giá lên (bull market) thường gặp nhiều thách thức hơn, vị chiến lược gia nhấn mạnh.
Tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên giao dịch đầu tuần được cải thiện phần nào sau khi một bài báo của tờ Washington Post nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa ra một kế hoạch áp thuế quan hẹp hơn so với những gì ông đã cảnh báo, rằng thuế quan bổ sung sẽ chỉ áp lên các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông Trump đã kêu gọi áp thuế quan 10-20% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu.
Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô Mỹ tăng mạnh trong phiên này nhờ lạc quan rằng chính sách thuế quan nhẹ tay hơn của ông Trump sẽ không dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Cổ phiếu Ford và General Motors (GM) đóng cửa với mức tăng tương ứng 1% và 3%.
Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận thông tin mà Washington Post đăng tải.
“Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này cho thấy năm nay sẽ là một năm thú vị. Chúng ta sẽ có nhiều sự kiện khiến thị trường biến động, bởi đang có quá nhiều bất định về chính sách, chính trị, lạm phát và đường đi của lãi suất”, chiến lược gia trưởng Matt Orton của công ty Raymond James nhận định với hãng tin Reuters.
Dù sau, thông tin về thuế quan của ông Trump trong bài báo của Washington Post đã góp phần quan trọng giúp chứng khoán thế giới có một phiên tăng. Chỉ số MSCI All Country World Index tăng 1,2% trong phiên đầu tuần, đạt 857,39 điểm.
Ngày thứ Năm tuần này, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đóng cửa để tưởng nhớ cựu Tổng thống Jimmy Carter, người mới qua đời ở tuổi 100.
Mối lo về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Phản ánh mối lo này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 4,6% trong phiên ngày thứ Hai, trước khi những số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố trong tuần này, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 12 vào ngày thứ Sáu.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, giới đầu tư đang đặt cược khả năng hơn 91% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 29/1 tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,21 USD/thùng, tương đương giảm 0,27%, còn 76,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,54%, còn 73,56 USD/thùng.
Trước phiên giảm này, giá dầu đã tăng 5 phiên liên tiếp nhờ kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tích cực kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Đầu phiên giao dịch này, giá dầu đã duy trì đà tăng và đạt mức cao nhất trong 2 tuần nhờ đồng USD xuống giá và một trận bão mùa đông đang đẩy cao nhu cầu năng lượng để sưởi ấm. Nhưng sau đó, giá dầu quay đầu giảm vì một vài số liệu kinh tế kém khả quan.
Theo một báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, lượng đơn đặt mua hàng hóa thành phẩm mới của doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm trong tháng 11, trong đó đáng chú ý nhất là sự suy giảm nhu cầu máy bay thương mại và trang thiết bị.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát tăng tốc trong tháng 12 do giá thực phẩm tăng mà giá năng lượng giảm chậm lại. Thông tin này khiến nhà đầu tư lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ phải giảm lãi suất chậm lại trong năm 2024, đặt ra trở ngại đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế khu vực eurozone.