Chứng khoán Mỹ tăng liền 3 phiên, giá dầu giảm vì ông Trump lại kêu gọi tăng sản lượng
Nhà đầu tư dường như không còn lo lắng nhiều về cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền Trump 2.0...
![Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/07/anh-man-hinh-2025-02-07-luc-07-24-22.png)
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/2), trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm các báo cáo tài chính và chuẩn bị đón nhận báo cáo việc làm sắp công bố. Giá dầu thô đi xuống vì Tổng thống Donald Trump nhắc lại lời kêu gọi tăng sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - tăng 0,36%, đạt 6.083,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,51%, đạt 19.791,99 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,28%, còn 44.747,63 điểm.
Gây áp lực giảm lên các chỉ số trong phiên này là cổ phiếu của một số công ty mang tới kết quả kinh doanh quý 4/2024 hoặc đưa ra triển vọng cho thời gian tới không đạt kỳ vọng của giới đầu tư. Như Qualcomm và ARM giảm hơn 3% mỗi cổ phiếu, Ford giảm 7%, Honey Well giảm hơn 5%...
Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như không còn lo lắng nhiều về cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền Trump 2.0 - cuộc chiến được khởi động vào hôm thứ Hai với mức thuế 10% áp lên hàng hóa Trung Quốc. Tâm lý thị trường đã được cải thiện nhờ việc ông Trump hoãn áp thuế quan lên hàng hóa Canada và Mexico.
“Diễn biến thị trường ngày hôm nay chủ yếu bị chi phối bởi các báo cáo tài chính mới được công bố. Các báo cáo thiếu sự đồng nhất, đến từ nhiều công ty khác nhau và nhiều lĩnh vực khác nhau”, Chủ tịch Peter Tuz của công ty Chase Investment Counsel nói với hãng tin Reuters về nguyên nhân khiến chỉ số giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch.
Tại châu Âu, giới đầu tư cũng không mấy lo lắng về thuế quan hay sự giảm tốc của nền kinh tế. Kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của các công ty niêm yết và khả năng có một kế hoạch hòa bình cho Ukraine đã đưa chứng khoán châu Âu lên mức cao kỷ lục. Chỉ số Stoxx 600 chốt phiên với mức tăng 1,17%.
Chỉ số FTSE 100 của chứng khoán Anh cũng cao kỷ lục nhờ mức tăng 1,21%, sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm nhưng cảnh báo sẽ thận trọng trong thời gian tới do dấu hiệu lạm phát tăng trở lại và những mối lo ngại về địa chính trị.
Dù chứng khoán Mỹ đang cho thấy sự vững vàng, những bấp bênh về chính trị trong nước và quốc tế vẫn đang âm ỉ, có thể gây sóng gió trên thị trường bất kỳ lúc nào.
“Chúng ta đang chứng kiến một nền kinh tế bền bỉ, trong bối cảnh những mối quan ngại về địa chính trị, và kỳ vọng sẽ có một dạng biến động nào đó trong tương lai gần”, Phó chủ tịch Oliver Pursche của công ty Wealthspire Advisors nhận định với hãng tin Reuters.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ - điểm dữ liệu quan trọng phản ánh tình trạng của nền kinh tế và là manh mối cho những bước đi chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo được 169.000 công việc mới trong tháng 1, ít hơn nhiều so với con số 256.000 công việc mới của tháng 12.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,32 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 74,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,42 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 70,61 USD/thùng.
Ông Trump ngày thứ Năm nhắc lại cam kết sẽ tăng sản lượng khai thác dầu của Mỹ để kéo giá dầu xuống. Ông nói Mỹ sẽ khai thác nhiều dầu hơn bất kỳ ai đã từng chứng kiến trước đây.
Giá dầu đến nay đã giảm khoảng 10% kể từ hôm 15/5 - thời điểm 5 ngày trước khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ.
Những ngày gần đây, giá dầu giằng co do thị trường cảm nhận rõ sự thiếu chắc chắn xung quanh các kế hoạch thuế quan của ông Trump. Những tin tức như ông Trump dự định gây sức ép tối đa với Iran hay sự gia tăng mạnh trong lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ cũng khiến giá dầu biến động.