07:19 18/04/2023

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, giá dầu lao dốc 2%

Bình Minh

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải xoay sở với lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng, nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho một mùa báo cáo tài chính ảm đạm...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/4), khi các nhà đầu tư đón nhận loạt kết quả kinh doanh tiếp theo trong mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 và nghiền ngẫm về tình trạng sức khoẻ của doanh nghiệp. Giá dầu thô giảm khá mạnh vì đồng USD tăng giá và kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) còn tiếp tục tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,33%, chốt ở 4.151,32 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 100,71 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 33.987,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,28%, chốt ở 12.157,72 điểm.

“Đang có sự giằng co giữa một bên là những người cảm thấy lạc quan rằng Fed sẽ sớm chấm dứt chương trình tăng lãi suất do sự suy yếu mà chúng ta đang chứng kiến trong nền kinh tế, với một bên là những người tin rằng Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất trong thời gian dài hơn vì nền kinh tế vẫn chưa thực sự giảm nhiệt”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Phố Wall đang theo dõi sát sao tình hình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh này, sau vụ sụp đổ gây chấn động của hai nhà băng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng 3.

Hai ngân hàng đầu tư State Street và Charles Schwab đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 vào ngày thứ Hai. Cổ phiếu Schwab chốt phiên với mức tăng 3,9% nhờ lợi nhuận tốt hơn dự báo dù lượng tiền gửi giảm. Thời gian qua, cổ phiếu Schwab chịu áp lực giảm mạnh vì thị trường lo ngại ngân hàng đầu tư này có thể chịu chung số phận như SVB.

Cổ phiếu State Street sụt 9,2% phiên đầu tuần sau khi không đạt dự báo cả về doanh thu và lợi nhuận.

Đáng chú ý, thị trường đi lên ngay cả khi nhóm dịch vụ truyền thông trượt 1,3%, dẫn đầu là sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn Alphabet, Netflix và Meta Platforms. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, giảm hơn 2% sau khi tờ New York Times nói rằng Samsung đang cân nhắc đưa Bing của Microsoft trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các sản phẩm điện thoại của hãng.

Mùa báo cáo tài chính này đã có một sự khởi động tích cực vào tuần trước, khi hai ngân hàng lớn là Wells Fargo và JPMorgan Chase cùng đạt kết quả tốt hơn kỳ vọng. Các báo cáo này dường như cho thấy rằng hai “gã khổng lồ” tài chính đâng đứng vững trước những mối lo suy thoái kinh tế gia tăng.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải xoay sở với lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng, nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho một mùa báo cáo tài chính ảm đạm. Tuy nhiên, dữ liệu từ Bank of America cho thấy các báo cáo đến thời điểm này nhìn chung tốt hơn dự báo. Trong số các doanh nghiệp báo cáo trong tuần trước, 90% đạt lợi nhuận vượt kỳ vọng - tỷ lệ tốt nhất trong tuần báo cáo đầu tiên của bất kỳ mùa công bố kết quả kinh doanh nào kể từ ít nhất năm 2012.

Dù vậy, ông Stovall cảnh báo giữ thận trọng vì thị trường vẫn chưa nhận báo cáo từ những lĩnh vực được cho là sẽ chứng kiến mức giảm lợi nhuận hai con số, bao gồm y tế và dịch vụ truyền thông. “Vẫn phải chờ xem, vì tin tốt từ các ngân hàng có thể bị lấn át bởi tin xấu từ những doanh nghiệp khác”, ông nói.

Mùa báo cáo sẽ tiếp diễn trong tuần này với tâm điểm là kết quả kinh doanh đến từ các ngân hàng lớn gồm Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley. Ngoài lĩnh vực tài chính, một số doanh nghiệp lớn cũng công bố báo cáo, gồm hãng xe điện Tesla, tập đoàn công nghệ IBM và công ty truyền dẫn nội dung trực tuyến Netflix.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,8%, còn 84,76 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,05%, còn 80,83 USD/thùng.

Phiên giảm này diễn ra sau khi giá cả hai loại dầu cùng có tuần tăng thứ tư liên tiếp trong tuần trước, đánh dấu chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ giữa năm 2022.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,5% trong phiên đầu tuần đã gây áp lực giảm lên giá dầu. “Đồng USD mạnh lên và điều đó khiến dầu giảm giá”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nói.

Ngoài ra, giá dầu cũng giảm do các nhà giao dịch đặt cược gần như chắc chắn rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5, đồng thời lùi thời điểm mà họ cho rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất về cuối năm nay.

Số liệu từ Fed New York ngày 17/4 cho thấy hoạt động sản xuất ở bang này trong tháng 4 đã tăng lần đầu tiên trong vòng 5 tháng trở lại đây, củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào đầu tháng tới.

Tuy nhiên, số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Trung Quốc dự kiến công bố ngày 18/4 được cho là sẽ giúp ích cho giá hàng hoá cơ bản trong đó có dầu thô.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã dự báo Trung Quốc chiếm phần lớn tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023. Nhưng báo cáo hàng tháng của IEA cũng cảnh báo rằng việc nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu được cho là sẽ xuất hiện trong nửa sau của năm nay, và điều đó có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga.

Một quan chức thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) tiết lộ rằng nhóm này sẽ giữ nguyên trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển, dù giá dầu thế giới gần đây tăng lên và mặc lời kêu gọi của một số nước muốn giảm trần giá xuống để hạn chế nguồn thu của Chính phủ Nga.