Dấu hiệu khả quan về kinh tế Trung Quốc: Giá nhà tiếp tục tăng
Số liệu tích cực này báo hiệu một sự giải toả cho thị trường bất động sản đang ốm yếu của Trung Quốc, vốn đã trải qua cuộc khủng hoảng thanh khoản trong 2 năm qua khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc rơi vào cảnh vỡ nợ...
Giá nhà mới ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất 21 tháng trong tháng 3 vừa qua. Đây là dấu hiệu mới nhất về sự khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi chấm dứt quãng thời gian 3 năm theo đuổi chính sách Zero Covid và trong bối cảnh Bắc Kinh giảm bớt chiến dịch kiểm soát vay nợ trong ngành bất động sản, một lĩnh vực có mức nợ khổng lồ nước này.
Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 17/4, giá nhà mới ở Trung Quốc tăng 0,5% trong tháng 3 so với tháng trước, sau khi tăng 0,3% trong tháng 2.
Số liệu tích cực này báo hiệu một sự giải toả cho thị trường bất động sản đang ốm yếu của Trung Quốc, vốn đã trải qua cuộc khủng hoảng thanh khoản trong 2 năm qua khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc rơi vào cảnh vỡ nợ.
Thống kê này cũng là sự tiếp nối khả quan số liệu xuất khẩu tốt hơn dự báo được công bố vào tuần trước, cho thấy hoạt động thương mại của Trung Quốc đã khởi sắc trong tháng 3 nhờ xuất khẩu xe điện và linh kiện xe điện tăng trưởng mạnh, cùng sự gia tăng thương mại với Nga.
Những dữ liệu đáng khích lệ này được đưa ra trước báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên trong năm 2023 của Trung Quốc dự kiến được công bố vào ngày 18/3. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo mức tăng trưởng 4% trong ba tháng đầu năm, so với mục tiêu tăng trưởng 5% mà Bắc Kinh đề ra cho cả năm.
Cùng ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn 1 năm - được xem là mức sàn cho lãi suất tham chiếu của nước này - ở mức 2,75%. Các nhà phân tích nhận định rằng việc PBOC không hạ lãi suất là một dấu hiệu cho thấy dữ liệu GDP quý 1 dự kiến sẽ đạt mục tiêu.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm ngoái, không đạt được mục tiêu 5,5% vốn đã là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm mang tính cấu trúc của tăng trưởng kinh tế nước này.
Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING, nói với Financial Times: “Nếu báo cáo GDP quý 1 sát với kỳ vọng của thị trường thì sự phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng”. Bà nói thêm rằng dù các dự báo vế tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong quý hai, “chúng tôi kỳ vọng PBOC còn giữ nguyên lãi suất”.
Trong một báo cáo ngày 17/4, các nhà phân tích của ngân hàng Nomura nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện ở Trung Quốc đã tăng “rõ rệt” lên 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3, từ mức 2,3% ghi nhận trong 2 tháng đầu năm. Họ cho rằng đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào một thời điểm thuận lợi sau khi bất ngờ chấm dứt Zero Covid vào tháng 12 năm ngoái và giảm bớt việc siết chặt cho vay đối với ngành bất động sản.
Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh cho năm 2023 là thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các nhà kinh tế đã cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều bất chấp những dấu hiệu cải thiện bắt đầu xuất hiện trong xuất khẩu và lĩnh vực bất động sản.
Một vấn đề quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc là sức mạnh của lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng - một “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế và việc làm cho đất nước 1,4 tỷ dân. Tuần trước, Trung Quốc báo cáo dữ liệu giá tiêu dùng yếu hơn dự kiến, với mức tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3, thấp hơn mức dự báo là tăng 1%.
Ngân hàng Mỹ Citi cho rằng lạm phát yếu báo hiệu “sự phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc năm nay sẽ là sự phục hồi hai nửa”. “Phục hồi của các dịch vụ sẽ diễn ra ổn định, nhưng đó không phải là phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó, tiêu thụ hàng hóa có thể gặp khó khăn vì người tiêu dùng phải hoàn trả các khoản vay kích cầu, nhất là vay mua ô tô”, Citi nhận định và lưu ý rằng “có thể mất một thời gian để sự bình ổn của thị trường bất động sản mang lại lợi ích cho hoạt động tiêu dùng có liên quan ở hạ nguồn”.