Nỗ lực cứu chứng khoán của Trung Quốc bắt đầu có tác dụng
Áp lực bán tháo đã giảm bớt trong những phiên gần đây nhờ các nỗ lực bình ổn thị trường của Chính phủ Trung Quốc, dù triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn còn mong manh...
Vị thế bán khống (short positions) trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 1/3 trong tháng 2 vừa qua, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm, cho thấy các biện pháp mà Bắc Kinh triển khai để hạn chế hoạt động bán khống và củng cố niềm tin của nhà đầu tư đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tính đến phiên ngày thứ Sáu tuần trước, chỉ số CSI 300 - thước đo giá cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Trung Quốc - đã tăng gần 14% kể từ mức thấp nhất 5 năm thiết lập hồi tháng 2. Áp lực bán tháo đã giảm bớt trong những phiên gần đây nhờ các nỗ lực bình ổn thị trường của Chính phủ Trung Quốc, dù triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn còn mong manh.
Số dư giá trị cổ phiếu mà các nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán khống đã sụt giảm còn 43,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 6,04 tỷ USD, vào thời điểm cuối tháng 2. Vị thế bán khống này chỉ bằng 2/3 so với mức ở thời điểm cuối tháng 1 và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 - theo dữ liệu từ Tổng công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSFC), một đơn vị quốc doanh chuyên cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ.
Tuy nhiên, dữ liệu này chưa bao gồm các trạng thái bán khống khác thông qua các sản phẩm phái sinh hoặc tương lai.
Trong nỗ lực vực dậy thị trường, cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc vào tháng trước tạm dừng cho phép các công ty môi giới vay cổ phiếu để cho nhà đầu tư bán khống vay. Ngoài ra, nhà đầu tư bị cấm bán khống cổ phiếu mua trong ngày.
Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết chính sách của cơ quan này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho một thị trường chứng khoán mà các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng khối lượng giao dịch.
Các công ty môi giới như CITIC Securities, GF Securities và China Securities đã tuân thủ các biện pháp của CSRC và tuyên bố sẽ hạn chế các hoạt động bán khống.
Ông Wei Mingsan, Tổng giám đốc công ty Zhejiang DeepWin Asset Management, cho biết những hạn chế mà nhà chức trách đưa ra khiến cho các quỹ đầu tư không thể thực hiện được chiến lược “T+0”, tức mua và bán cổ phiếu trong cùng một ngày.
Về phần mình, các nhà quản lý quỹ đã lên tiếng phản đối các biện pháp hạn chế này.
Ông Yuan Yuwei, nhà quản lý quỹ của công ty Water Wisdom Asset Management, nói rằng các biện pháp hạ chế đà rơi của thị trường khiến cho chiến lược đầu tư cổ phiếu giá lên-giá xuống (long-short strategy), trong đó quỹ đầu tư mua những cổ phiếu tăng giá vượt trội và bán khống những cổ phiếu rơi vào xu hướng giảm, trở nên bất khả thi.
“Cả chiến lược giá lên và giá xuống đều tốt cho đầu tư giá trị. Không có bán khống, thị trường có thể đối mặt với sự biến động gia tăng”, ông Yuan nói, và cho rằng nhà chức trách nên xử lý hành vi thao túng thị trường thay vì nhằm vào các nhà bán khống.
Cuộc tranh luận này cho thấy cơ quan chức năng Trung Quốc đang phải giữ một trạng thái cân bằng mong manh giữa một bên là tính hiệu quả và một bênh là tính công bằng trên thị trường, khi họ phải siết chặt giám sát đối với các hoạt động bán khống, giao dịch đòn bẩy và giao dịch tần suất cao.
“Sự cảnh giác của nhà chức trách là phù hợp vì họ phải giữ thị trường ổn định. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân bằng được giữa việc giám sát và đảm bảo một thị trường tự do”, ông Kher Sheng Lee - đồng phụ trách thị trường châu Á-Thái Bình Dương của AIMA, một tổ chức vận động hành lang đại diện cho các công ty quản lý quỹ ở hơn 60 quốc gia - nhận định.