07:54 05/01/2024

Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt giảm trong lúc đợi báo cáo việc làm

Bình Minh

Khởi động ảm đạm của chứng khoán Mỹ trong những ngày đầu năm 2024 trái ngược với sự rực rỡ của thị trường khi kết thúc năm 2023...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/1), với Nasdaq ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp - chuỗi phiên đi xuống dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 10 năm ngoái - trong bối cảnh nhà đầu tư chờ dữ liệu việc làm tháng 12 để điều chỉnh kỳ vọng lãi suất. Giá dầu thô giảm sau báo cáo cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,34%, còn 4.688,68 điểm. Nasdaq mất 0,56% điểm số, còn 14.510,3 điểm, nâng tổng mức giảm trong 5 phiên giảm trở lại đây lên gần 4%.

Riêng chỉ số Dow Jones tăng nhẹ, với mức tăng 10,15 điểm, tương đương tăng 0,03%, chốt ở 37.440,34 điểm.

Sau khi tăng mạnh trong năm ngoái, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple đã đuối sức khi bước sang năm 2024. Định giá cổ phiếu bị kéo căng quá mức và những bấp bênh xung quanh thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Điển hình cho xu thế bán ròng cổ phiếu công nghệ thời gian gần đây là Apple, khi cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm hơn 5% trong tuần này. Phiên ngày thứ Năm, Apple trượt hơn 1% sau động thái cắt giảm khuyến nghị nắm giữ của công ty Piper Sandler. Trước đó 2 ngày, ngân hàng Barclays cũng hạ khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu này.

Khởi động ảm đạm của chứng khoán Mỹ trong những ngày đầu năm 2024 trái ngược với sự rực rỡ của thị trường khi kết thúc năm 2023. S&P 500 đã có chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp trước khi năm 2023 khép lại và đạt thành quả tăng cả năm là hơn 24%.

Tuy nhiên, chiến lược gia trưởng Steven Wieting của công ty Citi Global Wealth không cho rằng đợt giảm này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến thị trường. “Tôi không cho rằng diễn biến của một vài phiên sẽ ảnh hưởng tới xu hướng tăng dài hạn”, ông nói và dự báo S&P 500 sẽ kết thúc năm 2024 ở mức khoảng 5.000 điểm, đồng nghĩa tăng khoảng 6% so với mức hiện tại.

Động lực tăng điểm của chứng khoán Mỹ cuối năm 2023 là sự đặt cược ngày càng lớn rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3 năm nay và sẽ có tới 6 đợt giảm lãi suất trong cả năm. Tuy nhiên, kỳ vọng này giảm xuống trong những ngày gần đây, nhất là sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ còn thận trọng và chưa đưa ra được một khung thời gian cụ thể cho việc giảm lãi suất.

Chính vì điều này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang có khuynh hướng tăng trở lại. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên ngày thứ Năm trên mốc 4%, khiến nhà đầu tư dịch chuyển khỏi cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ sang các nhóm cổ phiếu khác như tài chính.

Báo cáo việc làm tháng 12 của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP National Employment công bố ngày thứ Năm cho thấy khu vực tư nhân của Mỹ tuyển dụng nhiều hơn dự báo trong tháng 12 - một dấu hiệu cho thấy sức mạnh bền bỉ của thị trường việc làm và nền kinh tế. Trong khi đó, báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua nhiều hơn so với dự báo.

Phiên ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tổng thể tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ cung cấp. Số liệu này được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến kỳ vọng lãi suất, từ đó chi phối diễn biến của thị trường trong những phiên tới.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,66 USD/thùng, tương đương giảm 0,84%, còn 77,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 72,19 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thấp và lượng tồn kho tăng cao đã gây áp lực giảm lên giá dầu. Trong đó, tồn kho xăng tăng 10,9 triệu thùng lên mức 237 triệu thùng, mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm trở lại đây.

Tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 10,1 triệu thùng, lên 125,9 triệu thùng. Lượng sản phẩm chưng cất được cung ứng ra thị trường - một chỉ báo về nhu cầu - giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, theo EIA.

Dù lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 5,5 triệu thùng trong tuần trước - theo dữ liệu của EIA - nhưng phần lớn sự sụt giảm này phản ánh gián đoạn trong hoạt động vận tải biển đi qua Biển Đỏ, Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng giao sau Bob Yawger của ngân hàng Mizuho nhấn mạnh.

“Tình hình ở Biển Đỏ đã buộc nhiều khách mua dầu thô tìm đến mua dầu Mỹ, thay vì mua dầu từ Trung Đông và số dầu đó phải đi vòng qua vùng Sừng Châu Phi”, ông Yawger lý giải về sự sụt giảm của lượng dầu thô tồn kho.

Phiên này, giá dầu còn đương đầu với áp lực giảm loạt số liệu ảm đạm của kinh tế châu Âu, bao gồm hoạt động kinh doanh ở eurozone suy giảm trong tháng 12. Lạm phát ở Đức bất ngờ tăng trở lại, có thể dẫn tới việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.