Chứng khoán phái sinh trước giờ G (4): “Cơn ác mộng” margin call
Dễ thấy một nghịch lý ở đây là vị thế có lãi, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể bị call margin
Khác biệt lớn nhất trong giao dịch công cụ phái sinh là việc định giá diễn ra hàng ngày cuối mỗi phiên giao dịch.
Mỗi người tham gia một bên trong giao dịch phải chịu trách nhiệm và để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, tránh thiệt hại, việc đảm bảo số dư ký quỹ trong suốt quá trình nắm giữ vị thế là bắt buộc.
Các loại ký quỹ theo quy định của VSD
Không giống với khái niệm ký quỹ (margin) trong giao dịch cổ phiếu, khoản ký quỹ trong giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số là tài sản đảm bảo thanh toán, chứ không phải khoản vay.
Về mặt lý thuyết, có hai loại ký quỹ trong giao dịch phái sinh: Ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì. Cần lưu ý là một số tài liệu hiện tại mới chỉ mô tả hai mức ký quỹ này theo lý thuyết mà chưa đúng với thực tế đang áp dụng tại VSD.
Theo quy định của VSD, các loại ký quỹ bao gồm:
- Ký quỹ ban đầu (Initial Margin - IM), áp dụng cho các vị thế riêng lẻ (không được ghép cặp để tính ký quỹ song hành).
- Ký quỹ song hành (Spread Margin – SM), áp dụng đối với các cặp vị thế có hệ số tương quan đảm bảo giá trị tối thiểu theo quy định của VSD.
- Ký quỹ biến đổi (Variable Margin - VM), là khoản lỗ/lãi hàng ngày phát sinh từ hoạt động định giá lại theo giá thị trường (mark to market) đối với tất cả vị thế ròng trên tài khoản của nhà đầu tư.
- Ký quỹ thanh toán đáo hạn (IMd), áp dụng đối với các vị thế ròng thực hiện thanh toán chuyển giao vật chất tại thời điểm đáo hạn đối với tài khoản tự động bù trừ (netted) và tất cả các vị thế thực hiện thanh toán chuyển giao vật chất đối với tài khoản tổng (non-netted).
Tuy nhiên, để đảm bảo hiểu rõ các khoản ký quỹ nói trên, trước hết nhà đầu tư phải hiểu về mặt lý thuyết các khoản ký quỹ trong tính toán phái sinh.
Ký quỹ ban đầu là mức tiền mặt/tài sản cần có trước khi nhà đầu tư thực hiện lệnh Long/Short. Khoản ký quỹ này không phải là tiền thanh toán cho lệnh vừa thực hiện, mà là khoản đặt cọc thanh toán ban đầu.
Sau khi mở được một vị thế mới (lệnh được khớp), nhà đầu tư phải quan tâm đến mức ký quỹ duy trì. Đó là số dư tối thiểu phải đảm bảo trong tài khoản trong suốt quá trình nắm giữ vị thế.
Giá trị khoản ký quỹ duy trì không phải là cố định (dù nhà đầu tư không thực hiện mở vị thế khác) mà sẽ thay đổi theo kết quả định giá lại theo giá thị trường đối với các vị thế.
Những khác biệt trong ký quỹ duy trì
Theo lý thuyết, trong quá trình nắm giữ vị thế, nhà đầu tư có thể phải bổ sung ký quỹ nhưng cũng có thể được rút bớt tài sản ra dùng cho việc khác nếu như số dư tăng lên vượt quá tỷ lệ yêu cầu ký quỹ ban đầu. Do việc hạch toán được thực hiện từng ngày nên phần lãi/lỗ đều là thực và thuộc sở hữu của chủ tài khoản.
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động tính toán của VSD phức tạp hơn nhiều. Ví dụ sau đây sẽ thể hiện biến động của tài khoản và những cảnh báo mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi nắm giữ vị thế.
Giả sử, nhà đầu tư có trong tài khoản ký quỹ 10 triệu đồng và muốn mở một vị thế Long với một hợp đồng VN30F1707 lúc đó đang có giá 700 (điểm). Hệ số nhân của hợp đồng là 100.000 đồng.
Theo quy định hiện hành, biên độ dao động tối đa trong một ngày của hợp đồng là +/-7%. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu quy định là 10% giá trị hợp đồng. Ngưỡng cảnh báo tối thiểu do VSD quy định là 80% của tổng tài sản ký quỹ.
Với số tiền hiện có trong tài khoản ký quỹ là 10 triệu đồng, nhà đầu tư có thể tính ra lượng vốn cần có để đáp ứng giá trị ký quỹ ban đầu như sau:
Giá trị ký quỹ ban đầu = giá hợp đồng x hệ số nhân x số lượng hợp đồng x (1+biên độ dao động) x tỷ lệ ký quỹ ban đầu x 1/80%.
Với các thông số giao dịch như ở trên, giá trị ký quỹ ban đầu sẽ là: Giá trị ký quỹ ban đầu = 700 x 100.000 x 1 x (1+7%) x 10% x 1/80%.
Có thể tính ngay rằng tỷ lệ nhân (1+7%)x10%x(1/80%) cố định bằng 0.13375. Vì vậy có thể tính đơn giản như sau: Giá trị ký quỹ ban đầu = 700 x 100.000 x 1 x 0.13375 = 9.362.500 đồng.
Có thể thấy giá trị ký quỹ theo cách tính nói trên lớn hơn giá trị ký quỹ được tính theo lý thuyết thông thường (10% của giá trị giao dịch. Cũng với quy mô giao dịch một hợp đồng như ví dụ trên chỉ là 7.030.000 đồng). Đó là do để đảm bảo an toàn và tránh cho nhà đầu tư vượt ngưỡng cảnh báo ngay khi vừa mở vị thế, mức dao động tối đa của giá hợp đồng và ngưỡng cảnh báo tối thiểu được thêm vào làm tăng giá trị ký quỹ so với lý thuyết.
Sau khi đã mở thành công một vị thế Long nói trên, bảng tính sau diễn giải biến động tài khoản ký quỹ cũng như các ứng xử mà nhà đầu tư nắm giữ vị thế này có thể gặp phải.
Bảng tính đối với vị thế Long như sau:
Trong bảng tính trên, số dư trên tài khoản ký quỹ ban đầu (trước khi giao dịch) của nhà đầu tư là 10 triệu đồng. Cần lưu ý rằng nhà đầu tư có hai loại tài khoản, một là tài khoản ký quỹ (đang có 10 triệu đồng nói trên) và tài khoản tiền gửi. Số dư trên tài khoản ký quỹ là giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư (tiền mặt/cổ phiếu) và không thay đổi trừ khi nhà đầu tư bổ sung hoặc rút bớt. Lãi/lỗ vị thế sẽ được tính toán và bù trừ vào tài khoản tiền gửi để có thể rút ra.
Vì vậy, nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến số dư trên tài khoản ký quỹ vì nó liên quan đến tỷ lệ sử dụng ký quỹ. VSD đặt ra ngưỡng cảnh báo theo tỷ lệ sử dụng ký quỹ 80%, 100% và có các hành động tương ứng với các tỷ lệ này.
Chẳng hạn, số dư trên tài khoản ký quỹ ban đầu trước khi giao dịch của nhà đầu tư nói trên là 10 triệu đồng. Ngay khi mở 01 vị thế Long ở mức 700 điểm (ví dụ trên) thì nhà đầu tư đã phải đáp ứng tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 9.362.500 đồng. Như vậy, nhà đầu tư đã sử dụng luôn 93,63% giá trị tài khoản ký quỹ (9.362.500/10.000.000*100).
VSD quy định hai mức độ cảnh báo và các hành động tương ứng như sau:
Cảnh báo mức độ 1 khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt tới ngưỡng 80%. Khi đó VSD sẽ gửi thông tin cảnh báo cho thành viên bù trừ để thành viên kiểm soát tỷ lệ ký quỹ của khách hàng chặt chẽ hơn. Cảnh báo mức độ 2 là khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt ngưỡng 90%.
Khi tỷ lệ sử dụng ký quỹ đạt 100%, VSD sẽ gửi thông báo cho sở giao dịch đề nghị tạm ngừng giao dịch đối với tài khoản vi phạm; gửi thông báo cho thành viên bù trừ yêu cầu không cho tài khoản đó mở vị thế mới (trừ giao dịch đối ứng để đóng vị thế) và/hoặc bổ sung ngay tài sản ký quỹ để làm giảm xuống dưới giới hạn 100% trong vòng một ngày làm việc.
Lưu ý, chỉ khi các hành động (đóng vị thế, bổ sung tài sản) khiến tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ xuống dưới mức cảnh báo cấp 1 thì tình trạng bình thường của tài khoản mới được khôi phục.
Trở lại với ví dụ ban đầu. Ngay sau khi mở vị thế, nhà đầu tư đã sử dụng tới 93,63% tài sản ký quỹ. Do đó cuối ngày T0, tài khoản của nhà đầu tư này đã rơi vào tình trạng cảnh báo cấp độ 1. Tình hình chưa có gì đặc biệt những ngày sau đó (T1 đến T4) do biến động giá của hợp đồng tương lai làm tăng giảm tỷ lệ sử dụng ký quỹ vẫn chỉ nằm trong ngưỡng cảnh báo cấp độ 1, tức là nhà đầu tư không thể mở thêm vị thế mới được.
Tại ngày T4, có thể thấy tỷ lệ sử dụng ký quỹ đã lên tới 98,16% tức là tiềm năng vượt 100% rất cao. Nếu ngày kế tiếp giá hợp đồng tương lai tiếp tục tăng thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ bị rơi vào tình trạng cảnh báo cấp độ 2. Khi đó nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng các hành động, hoặc là nạp thêm tài sản để tăng số dư của tài khoản ký quỹ, hoặc thực hiện đóng vị thế chốt lãi.
Đến ngày T5, giá hợp đồng tương lai tăng mạnh và nhà đầu tư có lãi (số dư tài khoản tiền gửi tăng so với ngày hôm trước) nhưng cũng đồng nghĩa với khoản giá trị ký quỹ ban đầu tăng lên theo. Trong khi đó số dư trên tài khoản ký quỹ lại không thay đổi (vì nhà đầu tư vẫn để nguyên 10 triệu đồng) nên tỷ lệ sử dụng ký quỹ vượt mức 100%.
Khi đó nhà đầu tư phải bổ sung tài sản ký quỹ trong tài khoản ký quỹ vượt mức của giá trị ký quỹ duy trì. Cụ thể, tại ngày T5, giá trị ký quỹ duy trì đang là 10.656.125 đồng, và số dư tại tài khoản ký quỹ vẫn là 10 triệu đồng. Nhà đầu tư cần tăng tiền trong tài khoản ký quỹ lên bằng cách nạp tiền mới hoặc chuyển tiền lãi đang có từ tài khoản tiền gửi (được hạch toán lãi hàng ngày) sang tài khoản ký quỹ sao cho số dư vượt 10.656.125 đồng.
Ví dụ, nhà đầu tư quyết định nạp thêm 5 triệu đồng vào tài khoản ký quỹ, làm tăng số dư lên 15 triệu đồng. Ngày T6 tuy giá hợp đồng tiếp tục tăng mạnh và nhà đầu tư có lãi lớn nhưng tỷ lệ sử dụng ký quỹ vẫn chưa tới mức cảnh báo.
Đối với vị thế Short đối ứng với vị thế Long nói trên, tình trạng tài khoản ngược lại. Một đồng tiền lãi của vị thế Long chính bằng một đồng tiền lỗ ở vị thế Short được phản ánh trên tài khoản tiền gửi tương ứng của mỗi bên.
Có thể thấy ngay rằng, dù nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế Long hay Short thì mỗi khi vị thế sinh lãi, tỷ lệ sử dụng ký quỹ đều tăng lên. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn sàng để tăng giá trị ký quỹ để tiếp tục duy trì vị thế của mình. Nếu không, nhà đầu tư phải sẵn sàng đóng vị thế để chốt lời.
Có lãi, vẫn có thể bị call margin
Dễ thấy một nghịch lý ở đây là vị thế có lãi, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể bị call margin. Đó là do sự hạch toán lời lỗ được thực hiện vào tài khoản tiền gửi, độc lập với tài khoản ký quỹ.
Trong giao dịch hợp đồng tương lai, các giao dịch là khoản đặt cược vào một tài sản. Khi giá trị tài sản tăng lên tức là quy mô giao dịch cũng tăng, đồng nghĩa với việc phải tăng khoản đặt cọc để tránh rủi ro thanh toán cho các bên vì khi đó giá trị tài sản có thể biến động mạnh hơn.
Trong cùng một ví dụ với hai vị thế đối nghịch ở trên, khi giá hợp đồng tương lai tăng thì nhà đầu tư Short chịu sức ép lớn hơn và bị call margin sớm hơn, đồng thời thua lỗ trong tài khoản tiền gửi.
Do lời lỗ được hạch toán qua tài khoản tiền gửi và độc lập với tài khoản ký quỹ, nên nhà đầu tư cũng bắt buộc phải duy trì một số dư đảm bảo hạch toán trên tài khoản này. Tài khoản này sẽ được +/- mỗi ngày đúng bằng mức thay đổi điểm số hiện tại với điểm số mở vị thế nhân với hệ số nhân hợp đồng (là 100.000 đồng).
Vì thế nhà đầu tư cần duy trì một lượng tiền mặt thanh toán trên tài khoản này. Nếu số dư trên tài khoản bị hụt mà không đủ để hạch toán hàng ngày, lượng vốn bị thiếu sẽ bị trừ từ tài khoản ký quỹ, càng làm giảm giá trị của tài khoản ký quỹ.