Chứng khoán “rúng động”, cổ phiếu giảm sàn la liệt
Thị trường đột ngột xuất hiện biến động rất sốc gần cuối đợt khớp lệnh liên tục chiều nay. VN-Index dao động trong vòng 20 phút tới 2,73% tương đương trên 34 điểm. Chỉ số giảm sâu nhất gần 25 điểm và đóng cửa còn -12,52 điểm, tức là có phục hồi một chút. Dù vậy kết quả này vẫn là rất sốc, số mã giảm gấp 3,4 lần số tăng, với 26 cổ phiếu giảm sàn...
Thị trường đột ngột xuất hiện biến động rất sốc gần cuối đợt khớp lệnh liên tục chiều nay. VN-Index dao động trong vòng 20 phút tới 2,73% tương đương trên 34 điểm. Chỉ số giảm sâu nhất gần 25 điểm và đóng cửa còn -12,52 điểm, tức là có phục hồi một chút. Dù vậy kết quả này vẫn là rất sốc, số mã giảm gấp 3,4 lần số tăng, với 26 cổ phiếu giảm sàn.
Nguyên nhân là thị trường đảo chiều quá nhanh. Ngay trước thời điểm quay đầu, VN-Index còn đạt đỉnh cao nhất phiên nhờ cổ phiếu ngân hàng tăng bùng nổ, MBB thậm chí chạm tới giá kịch trần. Ai cũng nghĩ đến một phiên giao dịch hoành tráng, hơn là một nhịp giảm sốc. Lý do là nhóm cổ phiếu ngân hàng càng lúc càng lên giá mạnh, VN30-Index đạt đỉnh thậm chí tăng tới 1,63% so với tham chiếu.
Nhịp đảo chiều sau đó đến từ đồng loạt các cổ phiếu trụ bị bán xả ép giá rất nhanh. Ngân hàng cũng không tránh khỏi, thậm chí nhiều mã lớn đồng loạt lao dốc góp phần tạo thêm gánh nặng cho VN-Index. VCB có nhịp bổ nhào với biên độ 2,86% trong khoảng thời gian cùng với VN-Index. CTG biến động khoảng 3,84%, BID là 5,1%, VPB cỡ 3,2%. Các trụ khác cũng không kém: GAS lao dốc khoảng 1,8% trong vòng 15 phút, VHM trượt 1,7%, HPG trượt 3,1%, FPT trượt 2,1%, GVR trượt 3,9%...
Không phải tất cả các cổ phiếu này đều phải giảm qua tham chiếu trong nhịp biến động đó. Ví dụ khối ngân hàng vẫn còn nhiều mã xanh như ACB, BID, CTG, STB, TCB, VIB. Khi thị trường chạm đáy, cả rổ VN30 chỉ còn sót lại các cổ phiế ngân hàng này là còn tăng nhẹ so với tham chiếu, trong khi GVR, POW giảm sàn. Tuy vậy nếu tính trong một nhịp dao động thì biên độ thay đổi giá như mới thống kê phía trên là rất lớn, hoàn toàn có thể thổi bay hàng chục điểm của VN-Index. Tại đáy, VIC giảm 2,19%, VHM giảm 2,9%, HPG giảm 3%, MSN giảm 4,1%, PLX giảm 6,9%, FPT giảm 3,1%...
Nhịp xả này đẩy thanh khoản lên cao rất nhanh. Thống kê nhanh với rổ VN30, từ khi đạt đỉnh lúc 2h10 đến lúc chạm đáy lúc 2h27, thanh khoản lên tới 2.810 tỷ đồng chỉ riêng khớp lệnh. Lực cầu bắt đáy xuất hiện sau đó đã “trục vớt” khá tốt, nhiều cổ phiếu hồi giá lên và cũng tạo được thanh khoản cao. Tính chung HoSE và HNX chiều nay khớp thành công tới 19.306 tỷ đồng, tăng 80% so với phiên sáng và là mức thanh khoản buổi chiều cao nhất trong vòng 40 phiên. Riêng HoSE giao dịch thêm 18.087 tỷ đồng.
Dù có cầu bắt đáy, khả năng nâng giá của bên mua cũng giới hạn. Độ rộng chỉ số VN-Index cuối phiên chỉ là 109 mã tăng/369 mã giảm, trong đó 240 mã giảm quá 1% với 26 mã sàn. VN-Index đóng cửa giảm 0,98% là khá nhẹ, nhờ nhóm ngân hàng còn tốt: MBB tăng 4,03%, BID tăng 1,8%, TCB tăng 4,41%, CTG tăng 1,54%, ACB tăng 1,66%, HDB tăng 1,82%, LPB tăng 1,27%, STB tăng 1,67%, NAB tăng 5,88%, VIB tăng 1,41%. Đây là 10 cổ phiếu đỡ điểm nhiều nhất cho VN-Index và toàn là ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu giảm sàn chứng kiến áp lực bán tháo cực mạnh với DIG, POW, TCH, GVR, HVN, VOS, IJC, BFC thanh khoản hàng trăm tỷ đồng. Hàng chục mã khác cũng thanh khoản rất cao, giá giảm với biên độ trên 4%. Thậm chí, số lượng cổ phiếu giảm quá 3% hôm nay tới 128 mã và chiếm gần 36% tổng khớp sàn HoSE. Biên độ giảm giá này là cực mạnh, bất chấp chỉ số thay đổi chưa lớn.
Phía tăng, nếu không tính ngân hàng thì chỉ lác đác một số cổ phiếu đi ngược dòng một cách đủ tin cậy như BMP tăng 2,28% thanh khoản 66,6 tỷ đồng; HBC tăng 2,01% với 18 tỷ; SGN tăng 1,05% với 6,8 tỷ. Còn lại đa số cổ phiếu tăng giá có thanh khoản lèo tèo vài tỷ tới vài triệu đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng gây bất ngờ lớn khi mua vào ròng 728,5 tỷ đồng. Dĩ nhiên cũng có phần không nhỏ là qua thỏa thuận, nhưng đây là trạng thái đảo ngược vị thế bán ròng đáng chú ý trong bối cảnh đợt rút vốn ròng rã vừa qua. Các mã được mua mạnh là 163 tỷ, MWG +162,5 tỷ, VCB +137 tỷ, TCB +101,8 tỷ, BID +95,6 tỷ, CTG +60,5 tỷ, STB +37 tỷ, HVN +33,5 tỷ. Bên bán có MSN -104,4 tỷ, VHM -44,9 tỷ, VND -41,1 tỷ, CTR -31,4 tỷ, PVD -26,7 tỷ, VIC -26,2 tỷ.