Chứng khoán sáng 16/9: “Vố đau” với BID
BID bị đưa ra khỏi rổ đầu tư của quỹ VNM đã khiến không ít nhà đầu tư mắc nghẹn vì lỡ đua giá mấy hôm nay
Thông tin choáng váng về việc quỹ VNM nhầm lẫn đưa BID vào rổ đầu tư lần này đã khiến không ít nhà đầu tư mắc nghẹn vì lỡ đua giá mấy hôm nay. Những nỗ lực tháo chạy khỏi cổ phiếu này diễn ra trong giao dịch với BID.
Quỹ VNM đã đính chính rằng BID sẽ không được đưa vào rổ tính lần này, nghĩa là sẽ không có chuyện vài chục triệu cổ phiếu được mua. Các cổ phiếu khác do đó sẽ được cân đối lại tỷ trọng.
Sự thay đổi bất thường này đã dẫn đến hai hệ quả trái ngược. Đầu tiên là nhà đầu tư vỡ mộng khi đầu cơ BID. Tiếp đến là thị trường suy luận rằng nếu BID không được đưa vào rổ và các cổ phiếu đáng lẽ phải bán ra trong đợt này sẽ không bị bán. Một làn sóng mua vào các cổ đáng lẽ bị bán ra đã đẩy thị trường tăng những phút đầu phiên.
Với BID, thanh khoản đã biến mất sáng nay. Do thông tin được đón nhận trước giờ giao dịch nên người mua không dại xuất hiện để người bán đổ hàng vào đầu. Ngược lại người đã mua và hàng đã về cố gắng bán đi để chốt khoản lãi vốn đã rất mong manh. Những người mới đua giá hai hôm nay chỉ biết đứng nhìn.
BID ngay lập tức giảm sàn và chỉ có 126.040 cổ phiếu chạy thoát được. Đây là con số quá nhỏ so với gần 8,72 triệu cổ phiếu bán ở giá sàn và gần 1,2 triệu bán trên đó một giá.
Hôm qua BID được chuyển nhượng hơn 9,1 triệu cổ và nhà đầu tư nước ngoài mua gần 6,71 triệu cổ. Như vậy vẫn còn hàng triệu cổ nữa do nhà đầu tư trong nước đua giá. Với mức sàn 26.600 đồng, lượng hàng T+3 hôm nay vẫn có lãi, nhưng vấn đề là không thể thoát ra được. Áp lực bán từ lực lượng đầu cơ trong nước sẽ ngày càng lớn vì BID rủi ro giảm tiếp rất cao. Đó là chưa kể đến việc quỹ VNM sẽ xử lý thế nào với lượng cổ phiếu đã lỡ mua.
Thị trường Việt Nam lần đầu tiên phải xử lý một rủi ro bất thường như với trường hợp của BID. Thực ra thì đó là một sai sót, nhưng không một tính toán nào có thể lường trước được điều này. Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng ôm hơn 6,7 triệu cổ đúng đỉnh và đang lỗ nặng ngắn hạn.
Với hiệu ứng ngược, nhà đầu tư lao vào mua các blue-chips khác khi nghĩ rằng quỹ VNM sẽ không bán mà phải mua lại lượng đã bán trong trường hợp tỷ trọng đầu tư không thay đổi hoặc tăng lên. Điều này đã dẫn tới một đợt bùng nổ khá mạnh với VN-Index, mức tăng cao nhất tới 0,28% và VN30 tăng 1%.
Tuy nhiên nếu quan sát giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thì nếu quỹ VNM có mua cũng chỉ mới giao dịch ngày hôm qua. Phiên đầu tuần giá trị giao dịch rất thấp. Tổng giá trị bán khớp lệnh phiên hôm qua cũng chỉ là 230,4 tỷ đồng, không phải là một quy mô lớn.
Trong trường hợp quỹ VNM phải mua lại lượng đã bán thì tác động lên thanh khoản cũng không lớn. Khả năng cao hơn là quỹ này sẽ không bán ra nữa vì nếu căn cứ vào việc phải bán 11,4% giá trị quỹ (theo kế hoạch tái cân bằng cũ), phần lớn nhu cầu bán chưa được thực hiện.
Mặc dù có một nhịp tăng khá mạnh đầu phiên và nhất là VN30 duy trì mức tăng khá bền, nhưng có thể thấy dòng tiền đã không thực sự hào hứng và giá lịm dần về cuối phiên. VN-Index chốt phiên sáng đã giảm 0,18% còn VN30 chỉ tăng 0,4%. Đà trượt dài kéo suốt từ 10h tới tận lúc tạm nghỉ.
BID đã không đóng vai trò gì trong đợt trượt giá này vì ngay từ đầu đã giảm hết biên độ. Chính các blue-chips suy yếu dần dẫn đến các chỉ số lao dốc. Độ rộng thay đổi khá nhanh và hiện ghi nhận 84 mã tăng/76 mã giảm tại HSX và 57 mã tăng/79 mã giảm tại HNX. HNX-Index giảm 0,21%, HNX30 tăng 0,35%.
Thanh khoản cũng thể hiện sự kém hào hứng của nhà đầu tư với thông tin. Ngay cả khi xuất hiện những cao trào tăng giá ở blue-chips, thị trường vẫn giao dịch khá đuối. HSX chỉ khớp lệnh 517,6 tỷ đồng, giảm 31% so với phiên sáng hôm qua. Nếu bỏ qua yếu tố đột biến của BID sáng hôm qua thì mức giao dịch sáng nay vẫn thấp hơn 19% so với phiên sáng đầu tuần.
Thiếu vắng các giao dịch của ETF, mức giải ngân của khối ngoại sáng nay co rút lại còn 42 tỷ đồng ở HSX. Hầu hết lượng vốn này tập trung ở SSI, VIC, NT2. Tuy thế SSI lẫn VIC vẫn không qua được tham chiếu, còn NT2 tăng tối thiểu 0,4%.