12:12 18/08/2015

Chứng khoán sáng 18/8: EIB có chuyện gì?

Lan Ngọc

Kể cả khi tin đồn liên quan đến EIB được phủ nhận, thị trường vẫn tỏ rõ sự lo ngại bằng việc bán tháo cổ phiếu này

VN-Index trượt dài về cuối phiên. ảnh TVSI
VN-Index trượt dài về cuối phiên. ảnh TVSI
Kể cả khi tin đồn liên quan đến EIB được phủ nhận, thị trường vẫn tỏ rõ sự lo ngại bằng việc bán tháo cổ phiếu này.

Nhóm ngân hàng đã cân bằng trở lại sáng nay và hầu hết đều tăng. Riêng EIB là ngoại lệ khi có phiên giảm sàn thứ hai liên tục. Thông tin phủ nhận các tin đồn ngày hôm qua đã tạo một chút biến động giá, nhưng không hẳn là tích cực: EIB chỉ ngừng giảm sàn trong ít phút rồi lại thất bại hoàn toàn trước hàng triệu cổ phiếu bán đổ bán tháo.

Hiện EIB vẫn đang bị chặn bán sàn xấp xỉ 980.000 cổ phiếu và giá chỉ còn 11.800 đồng, giảm 6,35%, chính thức xác lập đáy thấp nhất kể từ đầu năm. Như vậy trọn sóng tăng của EIB theo nhóm ngân hàng nói chung trong tháng 6 và tháng 7 đã bị xóa sạch.

Điều khiến thị trường lo ngại là vẫn đang có một áp lực bán khủng khiếp xuất hiện tại EIB và rất có thể do những lo ngại về thông tin thiếu rõ ràng. Cổ phiếu này nhảy lên vị trí thứ 2 trên thị trường về thanh khoản sáng nay với gần 4,69 triệu cổ phiếu, hay 55,5 tỷ đồng giá trị giao dịch. Tuy nhiên đó lại là kết quả của hoạt động bán tháo.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khoảng 11% thanh khoản sáng nay của EIB, tương đương 6,2 tỷ đồng. Sức cầu này là quá nhỏ để có thể chặn đà bán tháo. Ngay cả khi không có thông tin gì xấu thì với mức sụt giá quá nhanh này, EIB có thể đang bị giải chấp.

Ngoài EIB, nhóm ngân hàng sáng nay nói chung là ổn định. Một số cổ phiếu lớn tăng giá đã nâng đỡ thị trường tốt: VCB tăng 1,71%, CTG tăng 1,55%, BID tăng 1,9%, ACB tăng 0,53%, SHB tăng 1,39%. Riêng STB đang giảm 1,16%.

Nhóm dầu khí cũng ổn định hơn hôm qua, mặc dù vẫn chứng kiến PVD giảm 1,05%, GAS giảm 0,81%, PVB giảm 1,13%. PGS tăng trở lại 2,05%, PVC tăng 1,03%, còn lại tham chiếu.

Sự ổn định giá của hai nhóm cổ phiếu quan trọng nhất này đã giúp thị trường tương đối cân bằng. Mặc dù GAS, PVD vẫn đang kéo VN-Index xuống, nhưng VCB, VIC, BVH, CTG, DPM, KDC, BID lại đang đẩy lên. Chỉ số này may mắn thoát mức giảm vào phút chót và chỉ trên tham chiếu 0,02%.

Nguyên nhân là độ rộng chung của HSX khá hẹp: 116 mã giảm/72 mã tăng. Rổ VN30 cũng có 13 mã giảm/11 mã tăng và chỉ số này giảm 0,31%. Yếu tố vốn hóa vẫn tác động nhiều hơn về phía giảm với VNM giảm 1,94%, PVD giảm 1,05%, HVG giảm 2,26%, HSG giảm 0,71%, HPG giảm 0,32%, HCM giảm 1,3%, HAG giảm 0,61%...

Sàn Hà Nội không hẳn tích cực hơn HSX, nhưng vẫn có chỉ số chính tăng 0,15%, HNX30 tăng 0,12%. Đó là do ACB, SHB, PVC, PGS, BVS, những mã vốn hóa cao hơn số giảm, đã đẩy điểm số lên. Độ rộng sàn này bình thường với 75 mã giảm/60 mã tăng. HXN30 có 9 mã giảm/7 mã tăng.

Nhà đầu tư nước ngoài tăng mua sáng nay là một dấu hiệu tích cực và là nguyên nhân giúp thanh khoản tốt lên, đồng thời một số cổ phiếu quan trọng tăng giá. Tổng giá trị giải ngân tại HSX là 100,3 tỷ đồng, tăng 75% so với sáng hôm qua. SSI, BID, CTG, VCB, MSN, EIB, GAS, DPM là những mã được mua trên 5 tỷ đồng và hầu hết số này có giá tăng.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 1.003,7 tỷ đồng, tăng 11% so với sáng hôm qua. Tuy thế mức độ chênh lệch thanh khoản là quá lớn. Chẳng hạn HSX chiếm tới 79% mức giao dịch này và 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất lại chiếm tới trên 43% giá trị sàn.

Mặc dù vẫn tạm dừng ở trên tham chiếu nhưng VN-Index phản ánh một phiên sáng khá đuối và sụt giảm dần theo thời gian. Áp lực bán ra tăng dần về cuối phiên đã lấy đi đáng kể sức mạnh. Thời điểm cao nhất, VN-Index tăng trên tham chiếu tới 0,87% nhưng hiện chỉ còn 0,02% một cách may mắn trong vài giao dịch cuối cùng.