07:40 04/06/2008

Chứng khoán thế giới: Ngập trong sắc đỏ

Duy Cường

Ngày 3/6, chứng khoán châu Á và Mỹ đồng loạt giảm điểm trong khi thị trường châu Âu phát đi tín hiệu tích cực hơn

Chứng khoán Trung Quốc cùng chung sắc đỏ với các thị trường châu Á khác.
Chứng khoán Trung Quốc cùng chung sắc đỏ với các thị trường châu Á khác.
Ngày 3/6, chứng khoán châu Á và Mỹ đồng loạt giảm điểm trong khi thị trường châu Âu phát đi tín hiệu tích cực hơn.

Chứng khoán Mỹ: Ngập trong sắc đỏ

Giá dầu thô giao tháng bảy tại New York Mercantile Exchange trong phiên giao dịch hôm thứ ba đã giảm 3,45 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 124,31 USD/thùng.

Cũng trong hôm thứ ba, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, các đơn đặt hàng sản xuất tại các nhà máy trong tháng tư tăng 1,1%, thấp hơn 0,4% so với tháng ba. Tuy vậy, mức tăng này đã vượt trên những dự báo trước đó của giới phân tích. Nguyên nhân khiến sự tăng trưởng tương đối khả quan này là do cầu tăng mạnh ở các đơn đặt hàng máy móc công nghiệp nặng, sắt và thép.

Liên quan đến các hãng sản xuất ôtô, hai “đại gia” trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ vừa công bố mức sụt giảm mạnh trong doanh thu tháng năm. Theo đó, GM thông báo số xe bán trong tháng năm đạt 272.363 xe và doanh thu giảm 30,2% so với tháng tư, đặc biệt, doanh thu dòng xe tải giảm tới 39%.

Trong khi đó, Ford bán được tổng số xe là 217,998 và doanh thu của hãng giảm 19,1% so với tháng trước, cao hơn 3% so với dự báo trước đó của giới phân tích.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm sau khi hãng Lehman Brothers thông báo có thể sẽ phải tăng vốn thêm 4 tỷ USD, thông tin này đã gây nên những lo ngại về khả năng tiếp tục có những ảnh hưởng xấu tới hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ trong thời gian tới. Thực tế, lo ngại này là có cơ sở khi chỉ số của ngành tài chính đã xuống thấp nhất kể từ ngày 17/3.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 100,97 điểm, tương đương -0,81%, đóng cửa ở mức 12.402,85.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 11,05 điểm, tương ứng -0,44%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.480,48.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 8,02 điểm, tương đương -0,58%, đóng cửa ở mức 1.377,65.

Chứng khoán châu Âu: Tăng điểm trở lại

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ ba đã khởi sắc trở lại sau khi sụt giảm mạnh phiên giao dịch trước đó. Thông tin tích cực đến từ Mỹ cho thấy các đơn đặt hàng mới ở các nhà máy nước này đã tăng cao hơn dự báo, điều này gửi đi thông điệp lạc quan hơn làm dịu bớt những lo lắng về sức khỏe nền kinh tế đầu tàu của thế giới.

Hơn nữa, sự khởi sắc trở lại của cổ phiếu khối ngân hàng như Royal Bank of Scotland và UBS là động lực nữa thúc đẩy thị trường lấy lại được sự cân bằng và duy trì được sắc xanh đến hết phiên giao dịch.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này tăng 50,10 điểm, tương đương 0,83%, đóng cửa ở mức 6.057,70 , khối lượng giao dịch đạt 2,32 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tăng 0,15%, khối lượng giao dịch đạt 4,29 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên giao dịch này tăng 0,98%, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 146 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán châu Á đã ngập trong sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm thứ ba khi các chỉ số chính đều lùi bước.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch này hòa chung cùng sắc đỏ với các thị trường khác ở châu Á và là phiên đầu tiên giảm điểm sau bốn ngày khởi sắc trước đó.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ những lo ngại về nguy cơ có những bất ổn ở thị trường tài chính Mỹ sau khi Lehman Brothers thông báo lỗ hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, đồng Yên tăng giá khiến cổ phiếu của các nhà xuất khẩu của Nhật giảm điểm kéo thị trường đi xuống.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 230,97 điểm, tương đương -1,60%, đóng cửa ở mức 14.209,17.

Chứng khoán Hồng Kông phiên giao dịch này đã đảo chiều sau khi tăng mạnh phiên giao dịch đầu tuần, nhưng với mức giảm hơn 1,5%, thành quả của phiên tăng điểm đó đã không còn ý nghĩa. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng giảm 1,83%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên giao dịch hôm thứ ba giảm 1,66%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch này giảm 1,07%.

Thông tin từ Hàn Quốc cho hay, dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng năm đã xuống mức thấp kỷ lục trong vòng một thập kỷ qua. Theo thông báo của nước này, dự trữ ngoại hối từ 260,5 tỷ USD trong tháng tư xuống 258,2 tỷ USD trong tháng năm, tương đương với mức giảm 2,28 tỷ USD.

Được biết, đồng Won đã giảm 10% giá trị so với USD và 15% giá trị so với đồng Yên kể từ đầu năm tới nay. Hiện mặt bằng lãi suất ở Hàn Quốc duy trì ở mức 5%/năm.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI Composite phiên giao dịch này giảm 1,52%.

Chuyển qua thông tin về thương vụ có giá trị 4,66 tỷ USD, China Merchants Bank, ngân hàng lớn thứ sáu của Trung Quốc vừa mua cổ phần kiểm soát của Ngân hàng Wing Lung.

Ngân hàng China Merchants cho biết đã trả cho Ngân hàng Wing Lung 156,50 Đô la Hồng Kông cho 53% giá trị của một cổ phiếu.

Được biết Ngân hàng Wing Lung có tổng tài sản đạt khoảng 12,3 tỷ USD với 42 chi nhánh, văn phòng và hiện có 1,600 nhân viên.

Chứng khoán Trung Quốc đã lùi bước trong phiên giao dịch hôm thứ ba do sự sụt giảm giá cổ phiếu của các nhà sản xuất điện, các công ty lọc dầu. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite mất 0,65% giá trị. 
   
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.503,80 12.402,85 -100,97 -0,81
Nasdaq 2,491,53  2.480,48  -11,05 -0,44
S&P 500 1,385,67 1.377,65 -8,02  -0,58
Anh FTSE 100 6.007,60 6.057,70 +50,10 +0,83
Đức DAX 7.008,77 7.019,13  +10,36 +0,15
Pháp CAC 40 4.935,21 4.983,71  +48,50 +0,98
Đài Loan Taiwan Weighted 8.724,47 8.579,43 -145,04 -1,66
Nhật Nikkei 225 14.440,14 14.209,17 -230,97 -1,60
Hồng Kông Hang Seng 24.831,36 24.375,76 -455,60 -1,83
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.847,53 1.819,39 -28,14 -1,52
Singapore Straits Times 3.183,83 3.153,94 -34,11  -1,07
Trung Quốc Shanghai Composite 3.459,04 3.436,39 -22,65 -0,65
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg