16:39 30/12/2021

Chứng khoán Việt Nam năm 2021 tăng trưởng vượt mong đợi

Vũ Phong

Đây là đánh giá về thị trường chứng khoán năm 2021 của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022...

Toàn cảnh hội nghị tổng kết của Uỷ ban Chứng khoán năm 2021
Toàn cảnh hội nghị tổng kết của Uỷ ban Chứng khoán năm 2021

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đã phục hồi và có sự bứt phá mạnh mẽ, kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, mặc dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của đại dịch, khi xuất hiện biến chủng virus Covid-19 mới Delta và Omicron.

Theo đó, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP.

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 11 đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.117 tỷ đồng/phiên.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng 250% so với năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 2,3 tỷ USD, xếp thứ 2 trong Đông Nam Á

Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Chỉ riêng trong 11 tháng qua, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Cùng với đó, các mảng thị trường khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm và thị trường chứng khoán phái sinh cũng có nhiều diễn biến tích cực theo hướng tăng trưởng trong năm 2021.

Về huy động vốn, trong 11 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán tỏ ra khá lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như áp lực lạm phát đang gia tăng…

Trong bối cảnh đó, năm 2022, ông Sơn cho biết, Uỷ ban Chứng khoán sẽ tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ịch hợp pháp của nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung xây dựng đề ấn chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.

Uỷ ban Chứng khoán cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho thị trường phát triển bền vững, công khai, minh bạch, tập trung giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động đúng mục đích, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính..., tăng cường công tác thanh tra và xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán

Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam.