19:48 28/11/2021

Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: Liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử

Trâm Anh

Trong suốt chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, chưa khi nào thị trường chứng khoán liên tiếp “đổ xô” những kỷ lục lịch sử dù nền kinh tế “nhuốm” màu Covid-19 như lúc này. Tuy nhiên, các chuyên gia, thành viên thị trường cho rằng, ở tuổi trưởng thành, khi thị trường chứng khoán chìm trong “men say”, điều quan trọng là không được bỏ quên sự quản lý, giám sát, kiện toàn thị trường...

Nhiều kỷ lục chấn động trên thị trường chứng khoán Việt.
Nhiều kỷ lục chấn động trên thị trường chứng khoán Việt.

Hôm nay tròn 25 năm thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996 -28/11/2021). Việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là một dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán chứng kiến sự phát triển vượt bậc.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hết tháng 9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Đây là con số ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời.

DẪN VỐN, TẠO BỆ PHÓNG CHO DOANH NGHIỆP

Theo số liệu Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD), hệ thống nhà đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến cuối tháng 10/2021, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở, trong đó, gần 99% tài khoản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ.

Lũy kế trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, tăng gấp gần 3 lần số tài khoản mở mới của cả năm trước, cao hơn tổng số tài khoản được mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).

Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng đột biến trong thời gian đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Phiên giao dịch ngày 19/11 vừa qua, mức thanh khoản kỷ lục lên tới hơn 56.000 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD giao dịch trên ba sàn. Với đà hưng phấn của thị trường, chỉ số VN-Index chinh phục cột mốc lịch sử 1.500 điểm trong phiên giao dịch ngày 25/11.

 
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
"Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn phân hạng của FTSE Russell và MSCI. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành một trong bốn thị trường lớn khu vực ASEAN.
Cần ổn định các cân đối vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia để thị trường chứng khoán có bệ đỡ. Và điều quan trọng là, tăng cường giám sát và quản lý, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm, trục lợi, đảm bảo thị trường công khai minh bạch”.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng bùng nổ, xô đổ nhiều kỷ lục trước đó và đang khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Từ đó, giảm áp lực cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, hoạt động đấu giá cổ phần và thoái vốn nhà nước giúp hình thành hệ thống các doanh nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới, trong đó, có Tập đoàn Hoà Phát.

Bên cạnh đó, hai năm qua khi nền kinh tế lao đao vì đại dịch, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ muốn vay mới tại ngân hàng đều gặp khó, nhưng lại đấu giá IPO, phát hành tăng vốn thành công rực rỡ trên thị trường chứng khoán, tạo đà phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp kênh đầu tư sinh lời và tích sản”, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS đánh giá, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán vẫn có những chỉ số lạc quan, thay da đổi thịt, là bản lề để chứng khoán tiếp tục đi lên bền vững.

Hiểu sự lớn mạnh của quy mô, tiềm năng của thị trường, SHS đồng hành và khơi thông nguồn vốn cho nhiều doanh nghiệp. 11 tháng năm 2021, SHS tư vấn thành công xấp xỉ 15.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu lên đến 17.000 tỷ đồng, phủ khắp các loại hình doanh nghiệp, từ định chế tài chính, doanh nghiệp sản xuất đến dịch vụ.

Ông Tiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được những thành quả như hiện nay là do hội tụ nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không để thị trường phát triển nhanh, tăng nóng mà bỏ qua khâu quản lý, giám sát thị trường.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam đang vận động đúng quy luật và hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu nhiều năm qua, nâng cao chất lượng hàng hoá, giữ chân nhà đầu tư.

MỌI THÀNH VIÊN THỊ TRƯỜNG PHẢI TRƯỞNG THÀNH

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, hỗ trợ ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, bản thân nội tại thị trường chứng khoán còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong giai đoạn hưng phấn của thị trường, cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng thấy rõ rủi ro. Hay sự tăng trưởng nhanh của hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập cũng có rủi ro phát sinh.

Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: Liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử - Ảnh 1

Chia sẻ với báo chí gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là kiện toàn quản trị, chú trọng vấn đề kiểm soát, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, chứ không đơn thuần là vấn đề thanh khoản.

Theo phân tích của bà Hương, ngày xưa mọi người rất quan tâm đến thanh khoản khi thị trường không có thanh khoản. Thanh khoản là một hàn thử biểu cực kỳ quan trọng để đo lường sự trưởng thành của thị trường.

Thế nhưng khi thị trường có thanh khoản, Chủ tịch VnDirect cho rằng sẽ không nhìn vào thanh khoản nữa, mà chỉ cần nhìn các tiền đề tiếp theo, phải làm thế nào có hàng hóa đa dạng, chất lượng cho nhà đầu tư. Hay cách thức để doanh nghiệp dẫn được vốn trên thị trường chứng khoán, hoặc xu thế đầu tư.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Đức Tiến cho hay, nhà đầu tư tham gia thị trường trước đây èo uột chỉ đạt 1 triệu tài khoản, nay đạt 3,5 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân có cảm giác “men say”, dễ dao động bởi các thông tin. “Đầu tư bắt buộc có kiến thức, điều cơ bản nhất phải hiểu nền tảng doanh nghiệp. Khi đã hiểu nền tảng doanh nghiệp mới có thể định giá cộng trừ bao nhiêu phần trăm, tùy mức độ quan tâm của thị trường”, Tổng Giám đốc SHS nhấn mạnh.

CÔNG NGHỆ TRỢ LỰC TRONG QUẢN LÝ, GIÁM SÁT

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quan điểm của Bộ Tài chính là phát triển thị trường chứng khoán một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế.

Đặc biệt là, “nâng cao năng lực quản lý giám sát, sử dụng công nghệ số trong giám sát thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như các chủ thể tham gia, minh bạch, an toàn, bền vững”, ông Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng sớm thông qua chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để có đường hướng phát triển những năm tiếp theo.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP đã điều chỉnh vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030. Đối với trái phiếu, hướng tới chiếm tỷ lệ 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phái sinh từ 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030, với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân, trong và ngoài nước hợp lý.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ sớm đưa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam vào hoạt động, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán.

 

Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: Liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử - Ảnh 2Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

"Kể từ khi hình thành và phát triển đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả rất là tốt, đặc biệt đã có một nền tảng pháp lý cho thị trường hoàn chỉnh, cơ cấu thị trường ngày càng được hoàn thiện hơn. 
Theo như thông lệ ở các nước, việc phát triển thị trường chứng khoán là việc cân bằng giữa thị trường vốn trung và dài hạn với thị trường vốn ngắn. Và thậm chí, hiện nay ở nhiều nước, quy mô thị trường chứng khoán thậm chí vượt hơn quy mô thị trường của các tổ chức tín dụng.
Chính vì vậy, việc thị trường chứng khoán liên tục phát triển trong những năm qua cho thấy nhận thức về đầu tư đã thay đổi, cũng như nền kinh tế có sự chuyển mình rất nhanh và rõ rệt.
Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được những lợi ích khi tham gia vào thị trường chứng khoán, ngoài lợi ích huy động vốn thì lợi ích rõ rệt nhất là các doanh nghiệp nâng cao được tính minh bạch về tài chính và quản trị, từ đó doanh nghiệp ngày càng phát triển tốt hơn. Thị trường chứng khoán là một thị trường vốn trung và dài hạn, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, chúng tôi đang hy vọng đến năm 2025 có khoảng độ 5% dân số trên 18 tuổi có thể tham gia vào thị trường chứng khoán. Hiện nay, số lượng tài khoản theo như báo cáo có khoảng 4 triệu tài khoản, nhưng thực tế tài khoản giao dịch hàng ngày thì cũng chỉ hơn 1 triệu.
Tuy nhiên, việc gia tăng nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn là quy luật tất yếu theo sự phát triển của thị trường. Việc đông đảo nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường là điều rất đáng mừng, tuy nhiên, chúng tôi cũng trao đổi với các công ty chứng khoán là phải hết sức chú trọng vào việc đào tạo kiến thức cho các nhà đầu tư mới.
Thực tế hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đang tập trung vào việc đào tạo cho các nhà đầu tư để các nhà đầu tư hiểu rằng, tham gia vào thị trường là “đầu tư chứng khoán” chứ không phải là “chơi chứng khoán”. Điều đó sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới".

 

 

Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: Liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử - Ảnh 3Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

"Kể từ khi khai trương thị trường chứng khoán vào năm 2000 với hai cổ phiếu ban đầu, đến nay, trên thị trường chứng khoán có gần 4 triệu tài khoản giao dịch.
Với quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu vượt quá 100% GDP, Việt Nam là một trong bốn quốc gia trong khu vực ASEAN có tỷ lệ này. Hiện nay giá trị giao dịch hàng ngày hiện nay cũng vượt quá ngưỡng 1 tỷ USD. Những con số đó cho thấy một nền kinh tế cổ phiếu đã hình thành”.

 

 
Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: Liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử - Ảnh 4Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VnDirectt.
"Điều quan trọng nhất hiện nay là kiện toàn quản trị, chú trọng vấn đề kiểm soát, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, chứ không đơn thuần là vấn đề thanh khoản. Bởi lẽ trước đây, mọi người rất quan tâm đến thanh khoản bởi khi đó thị trường không có thanh khoản. Thanh khoản là một hàn thử biểu cực kỳ quan trọng để đo lường sự trưởng thành của thị trường.