23:43 30/11/2010

“Chúng tôi sẽ không sa đà vào câu chuyện Vinashin”

Diệu Hương

Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, trả lời nhiều vấn đề mà báo giới đặt ra trước thềm hội nghị CG năm nay

Bà Victoria Kwakwa.
Bà Victoria Kwakwa.
Đầu tuần tới, từ 7-8/12, hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Bên cạnh các diễn đàn về phát triển, thì những đánh giá về nợ công của Việt Nam, về tập đoàn Vinashin, hay cam kết về số vốn hỗ trợ phát triển (ODA)... là các vấn đề được nhiều người quan tâm tại hội nghị lần này.

Chiều 30/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về CG. Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đã trả lời nhiều vấn đề mà báo giới đặt ra.

Con số cam kết không quan trọng

Vốn ODA cam kết liên tục được công bố tăng trong các kỳ CG gần đây và đến kỳ cuối năm ngoái, con số lên đến trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, giải ngân rất chậm, chỉ khoảng trên dưới 2 tỷ USD mỗi năm. Theo bà nguyên nhân vì sao?

Tôi đồng ý là con số giải ngân hơi thấp. Như chúng ta cũng thấy là không chỉ nguồn vốn ODA mà cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng chậm. Ở một chừng mực nào đó, thì một phần cũng do thủ tục của các quốc gia, các nhà tài trợ nhiều khi quá cồng kềnh, gây cản trở việc giải ngân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề ở cả hai phía, khi công tác quản lý và thực hiện ở Việt Nam cũng còn kém.

Tôi nghĩ là các nhà tài trợ và Việt Nam đều đang hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương thức nào đó hiệu quả nhất, nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, để cho chúng ta đạt được kết quả tốt hơn nữa trong tương lai, để cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả hơn.

Nếu vậy, theo bà tại kỳ CG lần này, con số cam kết công bố chính thức có nên thực chất hơn không?

Nó cũng liên quan đến một thực tế là trong quá trình CG diễn ra, chúng tôi thường không tập trung quá nhiều vào luồng vốn tài chính. Bởi vì, khi mà Việt Nam phát triển hơn, thì chúng ta biết là Việt Nam sẽ ngày càng ít cần đến nguồn vốn từ các nhà tài trợ.

Tại hội nghị CG, quan trọng là đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, chứ không phải là những con số cam kết viện trợ.

Kể cả khi các con số này đi xuống, chúng ta cũng không nên nghĩ rằng các nhà tài trợ ít chú ý đối với Việt Nam, hay giảm đi sự thích thú đối với Việt Nam, mà nhiều khi nó là ngược lại. Khi chúng ta nhìn thấy con số này ít đi thì chúng ta có thể hiểu là các nhà tài trợ tin tưởng hơn và thấy rằng Việt Nam không cần đến các nhà tài trợ nhiều như trong quá khứ, khi Việt Nam gặp khó khăn nữa.

Hy vọng Việt Nam sẽ thành nhà tài trợ

Dường như, bà đang nói đến một thay đổi nào đó trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế, khi Việt Nam tiến tới trở thành nước thu nhập trung bình. Những thay đổi đó là gì, thưa bà?

Mối quan hệ giữa các quốc gia và các đối tác phát triển luôn có sự thay đổi khi mà các quốc gia phát triển lên tầm cao hơn. Chúng ta thấy là Hàn Quốc hiện đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển, trở thành một nhà tài trợ chứ không phải là quốc gia nhận tài trợ nữa. Trong khi chúng ta cũng biết là trong quá khứ, Hàn Quốc nhận được rất nhiều viện trợ.

Vậy thì quan hệ này đối với Việt Nam thay đổi như thế nào? Việt Nam có một xuất phát điểm rất thấp, từ quốc gia có thu nhập thấp và bây giờ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và sẽ trở thành quốc gia phát triển hơn. Hy vọng là một thời điểm nào đó trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành nhà tài trợ.

Tức là xu hướng nó có sự thay đổi, vì vậy đến thời điểm các đối tác phát triển sẽ không tài trợ cho Việt Nam nữa, thì tôi nghĩ đây sẽ là kịch bản tốt đẹp nhất.

Còn từng bước đi cụ thể, chúng ta biết là mọi chuyện không thể xảy ra một sớm một chiều. Quan hệ đối tác sẽ thay đổi dần theo thời gian và có thể là càng ngày Việt Nam càng ít nhận được các khoản vay ưu đãi, hay tài trợ không hoàn lại mà sẽ nhận được các nguồn vốn viện trợ mang tính thương mại hơn.

Đồng thời, nó cũng thay đổi quan hệ giữa các bên. Việt Nam không phải là quốc gia thu nhập thấp và chỉ nhận tài trợ từ nước khác mà có thể tiếp cận các nguồn lực thương mại khác nữa.

Như chúng ta biết thì trước đây, Việt Nam được vay các nguồn vốn IDA (vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - PV), khi mà đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình thì có thể vay cả IDA và IBRD (vốn từ Ngân hàng Tái thiết phát triển - PV). Với IBRD, tuy không ưu đãi được như IDA nhưng vẫn ưu đãi hơn một số nguồn vốn điều kiện thị trường khác, cho nên Việt Nam vay IBRD vẫn tốt hơn ra thị trường thế giới vay vốn.

Mà nguồn vốn IBRD không hạn chế như là IDA, vì khi vay IDA còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của các bên đóng góp tiền vào quỹ này, còn nguồn vốn IBRD nó ít hạn hẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, IBRD chi phí cao hơn, lãi suất cao hơn, cho nên khi mà Việt Nam cần nhiều nguồn lực cho nhu cầu phát triển của mình thì có thể phải tiếp cận nhiều nguồn vốn.

Một chuyện nữa, khi chuyển sang nước thu nhập trung bình thì cũng có cơ hội để cất lên tiếng nói của mình một cách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, thuyết phục hơn. Việt Nam cũng được các quốc gia khác biết đến như là một đối tác. Và, các đối tác của Việt Nam cũng thấy vị thế của Việt Nam mang lại lợi thế cho họ, cũng giúp cho Việt Nam trở thành một đối tác phát triển tiềm năng trong tương lai.

Như vậy, có thể nói rằng những thay đổi nằm ở các nguồn lực có thể tiếp cận, thay đổi những điều khoản của các nguồn tài chính chúng ta có thể tiếp cận, nhưng cũng thay đổi luôn diện mạo của Việt Nam trong quan hệ với các đối tác phát triển khác.

Vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững

Một trong những nội dung quan trọng của các kỳ CG là thảo luận về hiệu quả viện trợ. Các nhà tài trợ nhìn nhận thế nào về tình hình nợ của Việt Nam gần đây?

Chúng tôi khá thường xuyên, có thể là 1 năm đến 2 năm một lần, cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành phân tích tình hình nợ của các quốc gia, để xem các quốc gia nợ có bền vững hay không, tỷ trọng nợ của các quốc gia như thế nào…

Tất nhiên, nếu không bền vững chúng tôi sẽ rất lo ngại. Không bền vững, tức là đến một thời điểm nào đó không thể trả được nợ và rơi vào khủng hoảng nợ. Chúng tôi chắc chắn là không muốn điều này rơi vào một quốc gia nào.

Những phân tích mà chúng tôi mới tiến hành với Việt Nam cho thấy, vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững. Phân tích này dựa trên số liệu về nợ mà chúng tôi có. Tôi phải nói trước như vậy vì có lẽ, có các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, có lẽ là không rõ ràng và không được đưa vào trong phân tích này, thế nhưng nợ Chính phủ, theo những số liệu chính thức chúng tôi có được, là vẫn bền vững.

Một điều nữa cần nói là Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ, và Ngân hàng Thế giới cũng nhận thức rất rõ, là một quốc gia bao giờ cũng phải để ý đến nợ của mình một cách cẩn trọng.

Vì vậy, nó không chỉ đơn giản là Chính phủ có thể nói rằng, ồ tình trạng nợ của chúng ta vẫn ổn định và chúng ta không cần phải lo lắng gì cả, có thể tiếp tục vay nợ, mà là cái cách quản lý nợ của mỗi quốc gia bao giờ cũng phải rất cẩn trọng.

Và đối với Việt Nam thì chúng tôi tin tưởng rằng chính sách và phương thức quản lý của chúng ta là cẩn trọng, chúng ta biết sử dụng các biện pháp và chính sách phù hợp.

Tôi nghĩ rằng, đối với một quốc gia, bản thân việc vay nợ cao không phải là điều xấu, bởi vì chúng ta cần vay nợ để đảm bảo cho việc phát triển của mình. Cho nên bản thân nợ và nợ nước ngoài không phải xấu.

Theo tôi, rủi ro là khi chúng ta vay quá nhiều, hơn là khả năng chúng ta có thể trả nợ, hoặc là chúng ta vay nợ để làm những việc không mang lại hiệu quả, không mang lại năng suất, mang lại kết quả cho nền kinh tế của chúng ta, không nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, thì đó mới là những điểm chúng ta cần cẩn trọng.

Vấn đề Vinashin cần được thảo luận ở chủ đề rộng hơn

Bà có nói đến rủi ro trả nợ, vậy trường hợp Vinashin sẽ được bàn đến trong các cuộc thảo luận tại CG lần này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng chúng tôi không quan tâm đến câu chuyện Vinashin đơn thuần chỉ là vì câu chuyện Vinashin. Bởi vì, họ có vấn đề của họ và chuyện Vinashin đã được thảo luận rất nhiều rồi.

Vấn đề Vinashin cần được thảo luận ở chủ đề rộng hơn, đó là liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước và hiệu quả của nó. Đó mới là vấn đề chúng tôi quan tâm.

Tôi cũng hy vọng tại CG, chúng tôi sẽ không sa đà vào câu chuyện Vinashin. Chúng tôi sẽ bàn những vấn đề rộng hơn, bao quát hơn về quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề phù hợp hơn, thích hợp hơn đối với diễn đàn CG.

Chúng ta sẽ bàn về vai trò của Nhà nước như là một chủ thể kinh doanh hay là một cơ quan điều tiết? Vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho cạnh tranh như thế nào…

Về phía Chính phủ cũng là như vậy, các cuộc họp CG không phải để đưa ra mổ xẻ bất kỳ một trường hợp cụ thể nào mà sẽ phải là các vấn đề chính sách bao quát hơn.

* Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức hàng năm với chủ đề chung là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Tại hội nghị lần này, các nội dung thảo luận chính gồm: cơ hội và thách thức với Việt Nam khi ở vị trí nước thu nhập trung bình; các ưu tiên cho phát triển bền vững; đảm bảo an sinh xã hội; tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình...