16:33 01/06/2023

Ngành thời trang dùng công nghệ để đề phòng “cú sốc” chuỗi cung ứng

Minh Nguyệt

Nghiên cứu mới cho thấy nhiều nhà bán lẻ thời trang không hề chuẩn bị cho sự gián đoạn toàn cầu trong tương lai. Thay vào đó, ngành công nghiệp này đang tìm kiếm công nghệ mới, tiếp cận gần và học hỏi từ các ngành khác để cải thiện khả năng phục hồi…

Ảnh: All things supply chain
Ảnh: All things supply chain

Theo nghiên cứu mới của công ty phần mềm Board International, gần 1/3 giám đốc điều hành kế hoạch bán lẻ trên toàn cầu cho biết họ cảm thấy chưa cần chuẩn bị cho một cú sốc chuỗi cung ứng quy mô lớn khác. Trước mắt, đa số các thương hiệu cho biết cần đầu tư nhiều hơn vào bán lẻ đa dịch vụ, cộng với công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), để xây dựng khả năng phục hồi.

“Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với trước đại dịch chưa? Có”, Simon Finch, giám đốc chuỗi cung ứng tại cửa hàng bách hóa cao cấp Harrods có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết. “Chúng ta còn cần phải làm gì nữa không? Chắc chắn rồi. Nhiều người đã cảm thấy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phục hồi trở lại và khắc phục dần các chi phí phát sinh trong vài năm qua. Tuy nhiên, ba năm sau, chi phí vẫn tăng lên thay vì bình thường hóa, khiến nhiều người phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mãi mãi thay đổi”.

Christos Chamberlain, tổng giám đốc Vương quốc Anh tại nền tảng vận chuyển hàng hóa toàn cầu Flexport cho biết, mức tồn kho vẫn là một thách thức đối với nhiều thương hiệu. “Ngành bán lẻ thời trang đã bước ra khỏi thời kỳ có nhiều gián đoạn, công suất bị suy giảm và nhu cầu không chắc chắn. Điều đó dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các giải pháp công nghệ có thể giúp các thương hiệu thấy rõ hơn những gì đang xảy ra trong chuỗi cung ứng của họ, giúp họ có khả năng phản hồi nhanh hơn”.

Một trong những lĩnh vực mà các nhà bán lẻ thời trang ứng dụng AI đầu tiên là dự báo nhu cầu.
Một trong những lĩnh vực mà các nhà bán lẻ thời trang ứng dụng AI đầu tiên là dự báo nhu cầu.

Suren Fernando, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất Nam Á MAS Holdings, công ty gia công sản phẩm cho các thương hiệu bao gồm Victoria's Secret, Calvin Klein và Tommy Hilfiger, cho biết những tiến bộ mới nhất trong công nghệ, bao gồm cả AI, có thể giúp chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghiên cứu của Board International cho thấy nhiều người lập kế hoạch bán lẻ vẫn làm việc trên các nền tảng bảng tính truyền thống, chẳng hạn như Excel, khiến họ không có khả năng hiển thị theo thời gian thực.

Tập đoàn tư vấn chiến lược Boston thông tin, chuỗi cung ứng là một trong những ngành sẽ thay đổi nhiều nhất với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo.

 
Theo báo cáo gần nhất, áp dụng thành công AI trong quản lý chuỗi cung ứng có thể giảm đến 20% chi phí, tăng hiệu quả hoạt động lên gần 50% và cải thiện mức độ chính xác của toàn bộ dự báo lên 30%.

Theo Vogue Business, một trong những lĩnh vực mà các nhà bán lẻ thời trang ứng dụng AI đầu tiên là dự báo nhu cầu. Bằng cách phân tích dữ liệu từ lịch sử bán hàng, khuyến mãi và các yếu tố bên ngoài như thời tiết, xu hướng tiêu dùng… nhưng với số lượng dữ liệu đầu vào gấp hàng trăm lần so với một chuyên viên thông thường, họ đã có thể dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng với độ chính xác cao hơn. Điều này đã giúp công ty quản lý mức tồn kho tốt hơn, tránh tình trạng hết hàng cũng như giảm lãng phí sinh ra khi dự báo dư thừa.

Một số nhà bán lẻ cũng đã sử dụng AI để tối ưu lịch sản xuất. Bằng cách phân tích dữ liệu về hiệu suất máy, số lượng lao động và nguyên liệu có sẵn, họ có thể lên lịch sản xuất hiệu quả hơn trên thời gian thực. Ứng dụng này đã giảm thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động và giảm thời gian ngừng sản xuất vì sự cố, đặc biệt là xử lý không phụ thuộc vào giờ làm của nhân viên phân tích vì các phần mềm AI sẽ chạy liên tục 24/7.

Giờ đây công nghệ trở nên cực kỳ quan trọng trong quảng cáo hoặc tiếp thị.
Giờ đây công nghệ trở nên cực kỳ quan trọng trong quảng cáo hoặc tiếp thị.

Ngoài ra, một số thương hiệu cũng đã sử dụng AI để tối ưu hoá hoạt động logistics. Bằng cách phân tích tuyến đường vận chuyển, thời gian giao hàng và hiệu suất của đối tác vận chuyển, công ty đã có thể tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển của mình. Điều này đã dẫn đến giảm chi phí vận chuyển, tăng tỷ lệ giao hàng đúng hạn và cải thiện sự hài lòng của khách hàng.

Trong khi đó, ông Finch của Harrods cho biết: “Giờ đây công nghệ trở nên cực kỳ quan trọng trong quảng cáo hoặc tiếp thị. Nếu chúng tôi biết lịch ra mắt bộ sưu tập của mình sẽ bị trì hoãn do quá trình đóng gói hoặc chuỗi cung ứng, thì chúng tôi có thể đưa ra quyết định về thời điểm và cách thức chúng tôi tăng cường hoạt động quảng cáo hợp lý hơn cho những sản phẩm đó”.

Hiện chuỗi bách hóa cao cấp Harrods đang tập trung vào cách xây dựng sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng của mình bằng cách thúc đẩy thay đổi cấu trúc, cân bằng giữa chi phí và tính sẵn có, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động sản xuất cự ly gần và đa kênh hơn. Mục tiêu này bao gồm chuyển một số nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Vương quốc Anh và Châu Âu, dựa trên điều mà ông Finch gọi là mô hình “hình vuông ma thuật”: tìm nguồn cung ứng tại địa phương để giảm rủi ro, cải thiện chi phí, cải thiện tốc độ giao hàng và dịch vụ tốt hơn.

Việc di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một điều quan trọng. Đầu tháng 5, các nhà lãnh đạo từ các quốc gia G7 đã gặp nhau tại Nhật Bản để thảo luận về cách tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu: giảm sự phụ thuộc của ngành may mặc thế giới vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc để chuỗi cung ứng đa dạng hơn và do đó ít bị tổn thương hơn trước các vấn đề ở một thị trường (chẳng hạn như lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19 của Trung Quốc vào năm ngoái). Sản xuất trong phạm vi gần hơn cũng tốt hơn cho môi trường, cũng như cải thiện thời gian giao hàng.

Tìm nguồn cung ứng tại địa phương giúp giảm rủi ro, cải thiện chi phí, cải thiện tốc độ giao hàng và dịch vụ tốt hơn.
Tìm nguồn cung ứng tại địa phương giúp giảm rủi ro, cải thiện chi phí, cải thiện tốc độ giao hàng và dịch vụ tốt hơn.

“Nhưng điều này không dễ dàng”, ông Finch lưu ý. “Việc thay đổi cơ sở sản xuất, tìm nguồn cung ứng đi kèm với những thách thức như chi phí lao động cao hơn, sự sẵn có về vật liệu và cũng như tay nghề của nhân công”. Attila Kiss, Giám đốc điều hành của trung tâm sản xuất Gruppo Florence, công ty đầu tư vào các nhà sản xuất thời trang cao cấp của Ý và Pháp cho biết Gruppo Florence đang tìm kiếm nguồn cảm hứng từ ngành công nghiệp ô tô để giải quyết những vấn đề này. Ví dụ: giảm thời gian chờ đợi giữa các giai đoạn sản xuất đơn lẻ thông qua việc tổ chức bố trí nhà máy tốt hơn, giúp giảm thời gian giao hàng xuống dưới một nửa trong một số danh mục sản phẩm nhất định, chẳng hạn như hàng da.

Trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay, việc áp dụng AI có thể tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp có và không có AI trong quản lý chuỗi cung ứng. “Tốc độ thay đổi chưa bao giờ nhanh như bây giờ”, ông Finch nói. “Điều gì đã đúng trong 20 năm qua sẽ không còn đúng trong thời gian 6 tháng, 12 tháng nữa. Bài học lớn nhất mà chúng ta học được là công nghệ khiến chúng ta cần phải đổi khác mỗi ngày”.