12:22 05/07/2013

Chuyện dài về “hình sự hóa tranh chấp kinh tế”

Yến Thanh

Tranh chấp Bảo Long - Bảo Sơn đã diễn ra với khởi điểm hoàn toàn kinh tế

Ông Nguyễn Hữu Khai (giữa) trên đường di lý từ Tp.HCM ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra - Ảnh: Petrotimes.<br>
Ông Nguyễn Hữu Khai (giữa) trên đường di lý từ Tp.HCM ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra - Ảnh: Petrotimes.<br>
Trong mọi nhu cầu của con người, an toàn vẫn luôn là  một nhu cầu rất căn bản, và con người - doanh nhân không phải là ngoại lệ. Trải nghiệm tù đày, hay nhẹ hơn, “đáo tụng đình” hình sự, là  điều không ai muốn.
 
Sự kiện ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long bị khởi tố với tội danh “sử dụng tài sản trái phép”, liên quan đến tranh chấp giữa Bảo Long và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Bảo Sơn) về hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm, đã và đang gây chấn động giới kinh doanh miền Bắc trong vài tuần qua.
 
Người viết sẽ không đi sâu phân tích đây có phải là vụ việc thuần túy dân sự hay không, mà chỉ muốn đưa ra một góc nhìn về một hiện tượng đã và đang diễn ra với nhiều cung bậc khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam.

Còn cách nào khác?

 
Tranh chấp Bảo Long - Bảo Sơn đã diễn ra với khởi điểm hoàn toàn kinh tế. Đem câu chuyện này đến hỏi một chuyên gia hàng đầu về pháp luật kinh tế hiện công tác tại Trung tâm Trọng tài kinh tế Việt Nam, thay cho câu trả lời, ông này ngay lập tức hỏi ngược lại người viết: “Theo anh thì nếu không bắt, còn có cách nào khác không?”
 
Ông cho rằng, khi các bên tranh chấp vẫn đang tranh cãi về pháp lý, vẫn còn có thể áp dụng các cách thức xử lý hoàn toàn dân sự, bằng thương lượng, hòa giải thậm chí đưa ra tòa án hay trọng tài thương mại.
 
Vị chuyên gia này nói, nếu quá lo lắng, Bảo Sơn hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo rằng tài sản tranh chấp vẫn được bảo vệ, trong khi đối tượng tranh chấp vẫn phải "ở lại" và chịu các trách nhiệm pháp lý.
 
Theo nhiều chuyên gia, một thực tế đang diễn ra là trong một số trường hợp, vì những nguyên nhân khác nhau mà các cơ quan điều tra, truy tố đã có sự “nhầm lẫn” giữa các tranh chấp kinh tế với hành vi phạm tội.
 
Hậu quả thường là gây ra những thiệt hại cho các chủ thể tham gia các tranh chấp kinh tế, đồng thời tạo ra những tiền lệ xấu đối với các quan hệ kinh tế đã được xác lập bằng hợp đồng.
 
Quan trọng hơn chính là việc, làm thế nào để hàng triệu chủ doanh nghiệp lớn nhỏ bình tâm làm ăn, thay vì lo lắng rằng một ngày nào đó một giao dịch dân sự của doanh nghiệp mình cũng có thể bị hình sự hóa.
 
Học thuật và chính sách
 

Cuộc dịch chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường trong hơn hai thập kỷ đã đặt toàn dân trước trải nghiệm mới: kinh tế phát triển thì tranh chấp cũng có xu hướng tăng lên, với mọi quy mô, với nhiều góc độ.
 
Từ năm 2000, một hội thảo chuyên đề về “hình sự hóa tranh chấp kinh tế” đã được tổ chức, với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về pháp lý kinh tế. Đó là thời điểm Luật Doanh nghiệp mới bắt đầu đi vào cuộc sống và dù vô tình hay hữu ý, ranh giới giữa một tranh chấp hình sự và dân sự luôn không rõ ràng.
 
Đến nay nhìn lại, nhiều vấn đề mà các chuyên gia pháp lý đặt ra từ thời điểm năm 2000 dường như vẫn còn tính thời sự, cho dù hệ thống pháp luật kinh doanh nói riêng, hệ thống pháp luật nói chung đã đi qua một chặng đường cải cách khá dài.
 
“Hình sự hóa tranh chấp kinh tế” thậm chí đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học, đã là đề tài của những luận án, luận văn về pháp lý kinh tế.
 
Đáng mừng là trước thực tế này, chính sách cũng đã có những chuyển động tương ứng để hạn chế bớt những tác động xấu. 15 năm trước, ngày 31/3/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 16/TTg về việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan sai và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân.
 
Ngày 4/7/1998, Ban Nội chính Trung ương cũng đã có công văn số 170 báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh rằng “vấn đề hình sự hoá và cả phi hình sự hoá trong giải quyết các quan hệ kinh tế dân sự của các cơ quan tố tụng hiện nay, các ngành nội chính cần có sự nghiên cứu toàn diện sâu sắc….”.
 
Song hành với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam, hệ thống chính sách pháp luật cũng đã được hoàn thiện từng bước để điều chỉnh vấn đề này. Đặc biệt, với quy định tại điều 2 Bộ luật Hình sự, theo đó “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, cách tiếp cận và ứng xử với tranh chấp kinh tế - dân sự đã có sự thay đổi đáng chú ý.
 
Một bộ luật quan trọng khác, Luật Dân sự, cũng đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Việc sửa đổi cũng được định hướng theo nguyên tắc hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế.
 
Với góc nhìn đó, người viết hy vọng rằng trong tương lai, các tranh chấp thuần túy dân sự - kinh tế sẽ bớt bị hình sự hóa, cho dù đôi khi, ranh giới này khá mong manh, trong một môi trường kinh doanh chưa hoàn hảo và hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện.