14:23 09/11/2020

Chuyển đổi số ở vùng sâu: Sẽ có smartphone giá 600-700 nghìn đồng

Lan Anh

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm chương trình Mobile Money để người dân ở vùng sâu, vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 9/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày về tiến độ chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa; triển khai ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; cũng như vấn đề liên quan tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH XÃ THÔNG MINH Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số miền núi, Bộ trưởng cho biết trong Đề án chuyển đổi số đã được Thủ tướng phê duyệt, vùng sâu, vùng xa được ưu tiên vì càng nơi khó khăn thì chuyển đổi số càng hiệu quả, bắt đầu từ nơi khó trước.

Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo cố gắng phủ sóng mạng viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa để người dân có thể truy cập internet. Cùng với đó, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm chương trình Mobile Money để người dân ở vùng sâu, vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử.

"Bà con ở vùng sâu, vùng xa có một khó khăn là không có máy điện thoại thông minh. Hiện nay đã có một chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600.000 đến 700.000 đồng để hỗ trợ bà con", Bộ trưởng thông tin. 

Trong chuyển đổi số người dân vùng núi, giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến, được ưu tiên để cho con em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất hiện nay.

Vấn đề được quan tâm tiếp theo là y tế, do đó hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai. Về thương mại điện tử, đã có sẵn sàn giao dịch để người dân vùng sâu, vùng xa có thể bán nông sản. 

"Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa với các nội dung như tôi vừa trình bày. Cuối năm 2020 sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm xã thông minh và sau đó thì nhân rộng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Thời gian qua, Bộ đã triển khai thí điểm chuyển đổi số ở trên 10 xã và đặc biệt tập trung cho các xã miền núi. Ví dụ, tại xã Vi Hương, Bắc Kạn, việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập của bà con trong hợp tác xã đã tăng từ 1-1,5, triệu thành 3-3,5 triệu/tháng. Tại xã Yên Mô, Ninh Bình, việc ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi lại và giúp bà con tiếp cận được các bác sĩ trên toàn quốc.

BAN HÀNH BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG 

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và việc lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng vào Bộ Quy tắc này. 

Bộ trưởng cho biết, tháng 4/2020, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. 

"Chính phủ đã họp đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, chúng tôi sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành, chắc chắn trong năm 2020 bộ quy tắc này sẽ được ký", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. "Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được Bộ lồng ghép vào trong Bộ quy tắc ứng xử".

Nội dung của Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. Cụ thể, yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng một đề án là bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025. 

Đề án đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức và kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp. 

"Hiện nay đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn cũng sẽ được ký trong năm 2020 này", Bộ trưởng cho biết.

THÁNG 2/2021 KHAI TRƯƠNG CƠ SỞ DỮ LIỆU DÂN CƯ QUỐC GIA 

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) về việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa vì sao chậm triển khai, Bộ trưởng cho biết Chính phủ tập trung đã thúc đẩy phát triển 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, hiện đã xong 4. Còn dữ liệu dân cư sẽ khai trương vào tháng 2/2021, hoàn thiện trong 7/2021; dữ liệu đất đai hết năm 2020 sẽ xong nền tảng để bắt đầu nhập liệu từ năm sau.

Với các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng, đến nay đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật để có thể kết nối được với nhau; xây dựng trục kết nối chia sẻ dữ liệu. Hiện 90% các bộ ngành, địa phương đã xong trục này. Hết năm 2020 hoàn thành 100%. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vừa qua cổng dữ liệu quốc gia data.gov.vn đã ra mắt để mở dữ liệu và cơ sở dữ liệu. Hiện nay, đã có 10.000 bộ dữ liệu đặt trên cổng này rồi. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành lộ trình để cho các địa phương, các bộ, ngành, mở dữ liệu trên cổng này.

Về thể chế, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47 về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia về dữ liệu. Bộ đã soạn thảo xong, dự kiến trình Chính phủ và kỳ vọng được ký trong năm nay.

"Như vậy, năm 2020 chúng ta xong về chiến lược, thể chế và nền tảng, hy vọng từ năm 2021, tiến độ các cơ sở dữ liệu số cả quốc gia và cả của bộ, ngành, địa phương sẽ nhanh hơn rất nhiều", Bộ trưởng cho biết.