Chuyên gia kinh tế lý giải vì sao Mỹ khó thắng trong thương chiến với Trung Quốc
Các mục tiêu mâu thuẫn của Washington cũng như vị thế không thể thua của ông Tập là những lý do khiến ông Trump khó giành thắng lợi trong thương chiến
Thị trường chứng khoán biến động mạnh, tăng trưởng kinh tế chậm lại, và một báo cáo cho thấy các công ty Mỹ đã cắt giảm gần 10.500 nhân viên do chiến tranh thương mại, là những hậu quả cho thấy Mỹ đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của thương chiến.
Theo Business Insider, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn biến xấu hơn trong vài tuần qua. Vì vậy, cả hai bên quyết định "đình chiến" với kỳ vọng "xây dựng các điều kiện" để nối lại đàm phán vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù đàm phán có thể được tiếp tục, những kết quả mang lại sẽ không nhiều, ngoại trừ việc tạm thời xoa dịu thị trường tài chính. Họ cho rằng chiến tranh thương mại là cuộc chiến là Tổng thống Mỹ Donald Trump khó có thể giành chiến thắng.
Vì sao ông Trump khó giành chiến thắng?
Có một thực tế là ngay từ đầu các mục tiêu trong chiến tranh thương mại của ông Trump đã mâu thuẫn với nhau, khiến chính quyền của ông không thể đưa ra một thỏa thuận được xem là một chiến thắng dành cho Mỹ.
Thêm nữa, trong suốt quá trình này, các yêu cầu mâu thuẫn và chiến thuật của ông Trump đã đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào vị thế mà ông và chính quyền của mình không thể thừa nhận và tuân thủ.
Bắc Kinh có ba yêu cầu mà Washington phải tuân thủ để kết thúc chiến tranh thương mại. Thứ nhất là Mỹ phải tôn trọng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đã áp lên hàng hoá của Quốc từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu. Thứ ba, Washington ngừng yêu cầu Trung Quốc nhập khẩu số lượng hàng hoá không tưởng từ Mỹ.
Nhiều người đã quên mất rằng mục đích ban đầu của cuộc chiến thương mại này là nhằm khiến cho thị trường Trung Quốc trở nên công bằng hơn với doanh nghiệp Mỹ - chấm dứt việc ưu ái doanh nghiệp nội, ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Trở lại báo cáo do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gửi lên Quốc hội vào tháng 3/2018, trong đó ông liệt kê tất cả vấn đề này và việc Bắc Kinh vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Trump ám ảnh với thâm hụt thương mại, muốn Trung Quốc mua nhiều hàng hoá của Mỹ hơn. Theo các nhà phân tích, trong thương mại song phương phức tạp, thâm hụt thương mại không có nhiều ý nghĩa.
Lighthizer muốn có những thay đổi để khiến Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường tự do hơn, còn ông Trump muốn làm biến dạng thị trường Trung Quốc khi buộc nước này mua nhiều hàng hoá Mỹ hơn. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của Lighthizer là theo chủ nghĩa tư bản còn của ông Trump là chủ nghĩa dân túy. Và hai tư tưởng này không đi cùng với nhau được.
"Có rất nhiều cách trong ngắn hạn để làm giảm thâm hụt thương mại, nhưng lại khiến thị trường bị biến dạng", nhà kinh tế Lee Branstetter của Đại học Carnegie Mellon, nhận định.
Hai mục tiêu mâu thuẫn này đã liên tục gây ra vấn đề trong các cuộc đàm phán. Trở lại tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cố gắng đàm phán một thỏa thuận tạm thời bằng cách hứa mua đậu tương Mỹ nhiều hơn. Các cuộc đàm phán tiếp diễn nhưng sau đó thất bại khi Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu mâu thuẫn của Mỹ.
Nếu những mục tiêu của Lighthizer - khiến Trung Quốc mở cửa hơn với các doanh nghiệp Mỹ - được đáp ứng, có thể mục tiêu dân tuý của ông Trump - buộc các công ty Mỹ trở về nước - sẽ không thể đạt được.
"Nếu Bắc Kinh giải quyết các vấn đề này, kết quả sẽ là thị trường Trung Quốc trở nên thân thiện hơn để doanh nghiệp Mỹ và phương Tây thiết lập cơ sở sản xuất tại nước này", nhà kinh tế Chad Bown của Viện Peterson Institute nhận định. "Việc này về cơ bản không đồng nhất với các ưu tiên bảo hộ kinh tế của chính quyền ông Trump - tập trung vào việc đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ, bất chấp việc này gây ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp và nông dân Mỹ".
Vì sao ông Tập không thể thua?
Mọi chuyện phức tạp hơn khi ở bên kia chiến tuyến là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người không thể thua. Nguyên nhân đến từ các lý do thực tiễn và chính trị.
Ở lý do thực tiễn, theo các nhà phân tích của Citigroup, kể cả khi Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hoá Mỹ để chấm dứt thâm hụt thương mại, Mỹ không thể có đủ hàng hoá để bán cho Trung Quốc mà không ảnh hưởng tới hoạt động thương mại với các đối tác khác hoặc thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước.
"Mỹ có thể tăng xuất khẩu sản phẩm đậu tương và thịt sang Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để đáp ứng việc tăng xuất khẩu thêm 1.200 tỷ USD hàng hoá sang Trung Quốc, bao gồm năng lượng, máy móc và sản phẩm công nghệ, đòi hỏi sự thay đổi lớn ở Mỹ và các tối tác thương mại hiện tại của Trung Quốc, cũng như tái cơ cấu hoạt động sản xuất những mặt hàng này tại Mỹ".
Các nhà nghiên cứu của Citigroup cũng chỉ ra rằng, với các mặt hàng như thực phẩm, mô tô, thiết bị bán dẫn, sản phẩm hàng không vũ trụ, Mỹ đã hoặc đang gần mức công suất tối đa.
"Chúng ta không thể sản xuất thêm nữa. Với sản phẩm năng lượng và gia cầm, Mỹ không có đủ hàng hoá để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc", các nhà phân tích của Citigroup cho biết.
Theo các chuyên gia, cũng có những lý do chính trị khiến ông Tập không thể đáp ứng các yêu cầu của ông Trump.
Từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi tháng 5, ông Tập bắt đầu sử dụng nhiều từ "đấu tranh" hơn, bao gồm 60 lần trong bài phát biểu vào tuần trước. Truyền thông nhà nước của Bắc Kinh cũng thường đề cập đến Mỹ như một cường quốc già nua đang cố gắng ngăn chặn sự nổi lên của nước này. Việc này cho phép Bắc Kinh đổ lỗi các vấn đề trong nước cho Mỹ và đẩy tinh thần dân tộc lên cao.
"Chẳng có thỏa thuận nào để thực hiện cả. Thị trường chứng khoán thật ngốc nghếch khi tin vào điều đó", Anne Stevenson-Yang, người sáng lập công ty đầu tư chuyên thị trường Trung Quốc J Capital Markets, nhận định.