Chuyên gia lý giải nguyên nhân chính khiến thanh khoản toàn thị trường thấp kỷ lục
Bên bán chán không muốn bán, bên mua thì không muốn mua giá cao. Cung giá thấp không còn lớn, cạn cung, cầu thận trọng dẫn đến thanh khoản thấp. Năm nay có thể không phải là “Sell in May” nữa mà là “Buy in May”...
Thị trường về cơ bản đỡ tiêu cực hơn so với những phiên đầu tuần tuy nhiên thanh khoản lại xuống thấp lập kỷ lục mới. Chốt phiên giao dịch chiều 28/4, VN-Index mất 2,78 điểm chủ yếu do nhóm blue-chips giảm, thanh khoản sàn này chưa tới 5,2 ngàn tỷ đồng, mức thấp kỷ lục kể từ khi có hệ thống giao dịch mới.
Tổng giá trị giao dịch bao gồm cả thỏa thuận ở hai sàn niêm yết giảm 9% so với hôm qua, chỉ đạt 15.087 tỷ đồng. Mức khớp lệnh thậm chí chỉ gần 13.737 tỷ đồng. Trong khi giá trị giao dịch trung bình 1 tháng qua cả ba sàn đạt 22.000 - 23.000 tỷ đồng.
Lý giải về thanh khoản thấp tại buổi talkshow Chọn danh mục lựa chọn chủ đề “Chế ngự nỗi sợ” do báo Đầu tư tổ chức, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, khi thị trường hồi phục thanh khoản thấp là điều dễ hiểu.
Thứ nhất, do thị trường đã trải qua giai đoạn tăng mạnh, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, hoài nghi. Bên bán chán không muốn bán, bên mua thì không muốn mua giá cao. Cung giá thấp không còn lớn, cạn cung, cầu thận trọng dẫn đến thanh khoản thấp.
Thứ hai, thị trường đang cận một kỳ nghỉ lễ dài, nhiều nhà đầu tư thận trọng không cố giao dịch để tránh rủi ro thông tin. Trước tết Nguyên đán thanh khoản cũng thấp. Chúng ta đang ở trong giai đoạn thị trường còn hoài nghi nếu thanh khoản cao lại là tiêu cực người bán sẽ lại tiếp tục bán. Sau kỳ nghỉ lễ sẽ kiểm nghiệm vùng đáy, tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn, dòng tiền sẽ trở lại.
"Thị trường chứng khoán đã giảm có phần thái quá, rất nhiều cổ phiếu trong nhóm Vn30 rơi về vùng hấp dẫn có thể đầu tư dài hạn. Năm nay không phải là “Sell in May” nữa mà là “Buy in May”. Thị trường đang ở thời điểm cân bằng hồi phục nhưng có lên được như cũ hay không cần thêm thời gian", ông Ngọc nói.
Giữa nhiều yếu tố bất định như hiện nay, thì câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là nên chờ ổn định rồi hẵng quay lại thị trường hay nên mua đuổi ngay những mã cổ phiếu đã giảm mạnh thời gian vừa qua?
Trả lời câu hỏi này, theo ông Ngọc, nếu không có đợt sụt giảm mạnh như này không có cơ hội mua những cổ phiếu tốt, triển vọng tăng trưởng cao. Trong một năm thị trường chỉ có 1-2 đợt như vậy nên có cơ hội mua hàng tốt giá rẻ.
"Cá nhân tôi thích đầu tư giá trị lựa chọn doanh nghiệp tốt để mua vùng giá rẻ. Tuần này tôi cũng không mặn mà với bắt đáy, quá trình tạo đáy, tôi thường giải ngân ở đáy 2 cao hơn đáy 1, tất cả rủi ro thị trường đã phản ánh ở giá cổ phiếu. Tôi sẽ chọn đáy 2 an toàn hơn", vị này nói.
Nhà đầu tư có thể tìm hiểu các báo cáo phân tích ở các công ty để xem như ngân hàng như VPB, TCB, ACB, VIB hay HPG, FPT, TCB, VIB,.. đó là những cổ phiếu blue-chip rất rẻ, tăng trưởng mạnh và quản trị công ty cao.
Chia sẻ thêm về nguyên tắc bước vào thị trường, theo ông Ngọc, nhà đầu tư nên dành một phần vốn không quá lớn đối với tài sản để làm học phí. Hai là không sử dụng margin từ đầu để hiểu rõ bản chất của thị trường trước khi dùng đòn bẩy tài chính, margin hoặc sử dụng các sản phẩm phái sinh để bán khi thị trường có xu hướng.
Yếu tố thứ ba hầu hết các nhà đầu tư thành công, trong quá trình đầu tư đều có phương pháp cụ thể, đầu tư ngắn hạn xác định có ưu điểm và rủi ro gì để khai thác, khi xuất hiện rủi ro thì nhanh chóng xử lý, đầu tư trung và dài hạn thì xác định đầu tư giái trị đầu tư trong bao lâu để có định hướng.
Yếu tố thứ 4, hầu hết nhà đầu tư trung và ngắn hạn cần đó chính là cắt lỗ. Bài học cắt lỗ là bài học khó nhất nhưng phải học từ đầu, nếu lỗ 8% là phải cắt, nếu lỗ 10% sẽ không nghĩ nhiều nữa sẽ cắt luôn. "Nếu nắm 4 yếu tố đó đàng hoàng bước vào thị trường không phải lo sợ hãi. Lựa chọn cổ phiếu tốt và quan sát lắng nghe ý kiến của chuyên gia để có cho mình danh mục tốt", ông Ngọc nói.