CII muốn giảm room ngoại xuống 49%
Các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51% nhưng dưới 100% thường bị hạn chế tham gia do không có ngành nghề kinh doanh tương ứng
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE) thông báo Hội đồng Quản trị đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 70% xuống 49%.
Về vấn đề này CII cho biết, hiện nay công ty đang nghiên cứu một số dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản quy mô lớn. Các dự án này thường được tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP và dành cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51% nhưng dưới 100% thường bị hạn chế tham gia do không có ngành nghề kinh doanh tương ứng.
Do vậy, nhằm chuẩn bị việc tham gia đấu thầu các dự án nói trên, Hội đồng Quản trị CII đã có quyết định về việc kiến nghị tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 70% xuống 49%.
Việc khoá room nước ngoài chính thức chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua và được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông CII đã thông qua phương án phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi kèm chứng quyền, nhằm huy động vốn cho 3 dự án hạ tầng và bất động sản. Lãi suất dự kiến 11%/năm, thanh toán lãi 6 tháng/lần, kỳ hạn 5 năm. Thời gian phát hành từ quý 4/2020 đến quý 1/2021.
Cụ thể, dành tối đa 600 tỷ đồng cho hợp tác đầu tư dự án Xây dựng – Chuyển giao dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và 4) và hoàn thiện đường trục Bắc Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm.
Dành tối đa 500 tỷ đồng hợp tác đầu tư dự án Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao dự án Đầu tư Xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
Dành tối đa 500 tỷ đồng cho hợp tác đầu tư dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi với Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy.
Điều kiện thực hiện đợt phát hành trái phiếu 1.600 tỷ đồng là trái phiếu kèm chứng quyền chỉ được phát hành ra công chúng khi số tiền thu được từ phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng theo Nghị quyết số 1240/NQ – HĐQT ngày 8/6/2020 thấp hơn 800 tỷ đồng.
Tính đến tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Công ty mẹ CII là khoảng 6.615 tỷ đồng, trong đó trái phiếu kỳ hạn 2 năm chiếm tỷ trọng khoảng 82%, phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các dự án đầu tư bất động sản và cầu đường trọng yếu của công ty.
Kết thúc quý 3/2020, doanh thu bán hàng của CII đạt 1.826 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ 2019, luỹ kế 9 tháng đạt 2.978 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 chỉ đạt hơn 81 tỷ đồng - trong đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 của công ty mẹ chỉ đạt 30 tỷ đồng và luỹ kế đạt gần 461 tỷ đồng.
CII cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 của công ty mẹ chỉ đạt hơn 30 tỷ - giảm 361,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là do năm trước phát sinh các khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và các khoản lãi khi thanh toán các công ty con với giá trị lớn.
Mặt khác, chi phí lãi vay quý 3/2020 tăng nên mặc dù lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 vẫn giảm.
Đáng chú ý, lương thưởng của Ban tổng giám đốc được hưởng trong 9 tháng tăng từ 3,46 tỷ năm trước lên tới 8,968 tỷ đồng trong năm nay - trong đó thưởng tăng mạnh từ 238 triệu lên tới hơn 4,1 tỷ đồng.