Cơ cấu lại nền kinh tế không thể tách rời câu chuyện phòng chống dịch Covid-19
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế thời gian phải gắn liền với công tác phòng chống dịch bởi chưa ai có thể khẳng định thời điểm kết thúc đại dịch...
Sáng 30/10, thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và gắn với công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh cho người dân cũng như phục hồi, phát triển nền kinh tế.
CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH VỚI MỌI MẶT DỜI SỐNG
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới thích ứng với trạng thái bình thường mới đang đặt ra nhiều vấn đề. Cụ thể là thị trường tài chính diễn biến có chiều hướng xấu, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy cục bộ, thị trường lao động còn rối ren, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Do đó, đại biểu cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể tách rời câu chuyện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không chỉ 5 năm mà còn có thể lâu dài hơn.
“Để cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta cần có đánh giá kỹ tác động của dịch bệnh đối với mọi mặt đời sống xã hội, đánh giá một cách toàn diện, kể cả việc Chính phủ cần có chiến lược dài hạn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid”, đại biểu Trần Văn Sáu nêu ý kiến.
Cũng quan tâm tới yếu tố bền vững của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 với những dự báo mới nhất về biến thể Delta và Delta Plus, cập nhật tình hình về khả năng lây lan dịch bệnh ở một số quốc gia, kể cả ở những quốc gia có độ bao phủ vaccine và năng lực y tế cao.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần đánh giá thực chất về năng lực y tế, kể cả dự kiến tăng cường trong tương lai, gắn với độ che phủ vaccine trong nước để đáp ứng yêu cầu phát triển bình thường và sống chung cùng với dịch bệnh.
“Cùng với đó phải dự về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, kể cả chính sách tiêm chủng mũi tăng cường và dự kiến độ che phủ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em trong độ tuổi quy định, tình hình khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu, thép, phân bón, vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian vừa qua hay vấn đề chuyển dịch lao động ra khỏi TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung các khu công nghiệp sau đại dịch lần thứ tư. Từ đó, chúng ta đánh giá lại những căn cứ, có căn cứ, cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch trong điều kiện có nhiều biến động nhanh và khó lường hiện nay và trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Tạo nêu ý kiện.
Cũng băn khoăn việc gắn liền những tác động của dịch bệnh với kế hoạch kinh tế thơi gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 có những mục tiêu trong kế hoạch được đưa ra, kể cả khi đã dự báo trước là không đạt được. Cụ thể là mục tiêu dự kiến có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.
Theo đại biểu, Báo cáo của Chính phủ đã có ghi chú dự báo triển vọng phục hồi kinh tế, mục tiêu đến 2025 số lượng doanh nghiệp hoạt động khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp là phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, theo Cục việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá trong 7 tháng đầu năm, có nghĩa là chưa đánh giá đến giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
“Như vậy, con số 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 thì dự kiến kế hoạch của Chính phủ có ý nghĩa ra sao, khi dự báo biết trước là chúng ta sẽ không đạt. Việc hoạch định này có bám sát với thực tế chưa để đến khi triển khai thực hiện nhiệm vụ không hoàn thành thì ta lại ngồi lại với nhau để phê bình nhau về những chuyện mà ta đã biết trước. Đề nghị Chính phủ cần phải phân tích, làm rõ vấn đề trên”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng quan tâm về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, du lịch, phát triển lực lượng lao động... đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn gây ảnh hưởng dài hạn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trước đó, ngày 29/10, Quốc hội nghe và thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra nội dung này.