14:47 31/05/2023

Cơ chế đặc thù để “hòn ngọc Viễn Đông” tiếp tục tỏa sáng, phát triển bứt phá xứng tầm

Nhĩ Anh

Để thành phố Hồ Chí Minh - nơi vốn được ví như "hòn ngọc Viễn Đông" phát triển bứt phá, điều quan trọng cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền nhiều hơn...

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh chiều 30/5.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh chiều 30/5.

Một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là rất cần thiết với Tp. Hồ Chí Minh, giúp tạo điều kiện, động lực lớn mạnh hơn, giữ vững được vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng và đóng góp vào sự phát triển chung cả nước.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh chiều ngày 30/5, đa số ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Tp. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP PHÂN QUYỀN 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho rằng để tạo điều kiện cho Tp. Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm, thực sự trở thành một đầu tàu, một trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ cả nước, điều quan trọng nhất là cần phải phân cấp, phân quyền đúng với vị thế của thành phố.

Qua tham khảo dự thảo Nghị quyết và thẩm tra, mặc dù có nhiều chính sách đặc thù nhưng phần mô tả trình tự thủ tục, liên quan đến pháp luật còn nhiều, chưa cô đọng thành chính sách thực sự khác biệt hơn so với các vùng khác trong cả nước.

 
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre)
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre)

"Để tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm, thực sự trở thành một đầu tàu, một trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ cả nước, điều quan trọng nhất là cần phải phân cấp, phân quyền đúng với vị thế của thành phố.

Điều quan trọng nhất là cần phải phân cấp, phân quyền đúng với vị thế của thành phố. Thành phố cũng nên được quyền ban hành các quy định vượt trội để năng động, tự chủ thu hút nhân tài, nhất là về nhân sự khoa học công nghệ".

Nói về sự khác biệt về mục tiêu lần này so với Nghị quyết 54, đại biểu cho biết mục tiêu trước đây nhấn mạnh việc tạo nguồn lực, tạo nguồn thu ngân sách; còn mục tiêu lớn nhất hiện nay là huy động các nguồn lực.

Theo đại biểu khi huy động được nguồn lực, sẽ có những dự án lớn, có những động lực phát triển sẽ đạt được các mục tiêu tiếp theo là có nguồn thu để phát triển cho chính thành phố và cả nước.

Hai mục tiêu khơi thông, thu hút nguồn lực để tạo nguồn ngân sách lớn cho thành phố phát triển là mục tiêu xuyên suốt từ Nghị quyết 54 đến dự thảo Nghị quyết mới lần này.

Đại biểu đoàn tỉnh Bến Tre cũng góp ý, bên cạnh đặt vị trí cao doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có những doanh nghiệp phải đặt trọng tâm hàng đầu, bởi đây là động lực để thành phố phát triển. Đó là doanh nghiệp dẫn đầu, tập đoàn lớn bởi chính những doanh nghiệp này mới có các dự án lớn, tạo sức lan tỏa cho các ngành kinh tế khác.

Theo đại biểu, cần có một định nghĩa về doanh nghiệp dẫn đầu, tập đoàn lớn tạo động lực phát triển. Hiện nay Tp.Hồ Chí Minh phải phân tích cho được những ngành lĩnh vực nào là động lực tăng trưởng nhiều nhất để đưa vào. Các đại biểu cũng đề cập đến cơ chế điều tiết ngân sách để lại đầu tư trong đó có nguồn tăng thu của thành phố để tạo nguồn lực, động lực phát triển...

Trong số những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lưu ý về vấn đề tổ chức bộ máy của Tp. Hồ Chí Minh. Bởi 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai, cho dù trao cho thành phố quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm kia không thực hiện được. Do đó, cần trao năng lực pháp lý để thành phố tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của mình trên cơ sở luật tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Đại biểu cũng đề xuất trao cho thành phố quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn. Thành phố cũng nên được quyền ban hành các quy định vượt trội để năng động, tự chủ thu hút nhân tài, nhất là về nhân sự khoa học công nghệ…

TẠO ĐÀ BỨT PHÁ, LẤY LẠI TINH THẦN NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO

Nhất trí với việc ban hành một Nghị quyết mới về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng điều này nhằm tạo đà bứt phá cho thành phố vốn luôn được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhất là khi thời gian qua tốc độ phát triển của thành phố gặp một số vấn đề.

Vì thế, có những cơ chế, chính sách cho Tp. Hồ Chí Minh, kế thừa các Nghị quyết trước thì sẽ thực sự tháo gỡ, tạo ra bứt phá không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước. Qua khảo sát, vẫn còn có một số điểm nghẽn, cần phải tháo gỡ không chỉ giúp cho Tp. Hồ Chí Minh phát triển, mà còn là cơ sở giúp Hà Nội làm tốt Luật Thủ đô, tháo gỡ các cơ chế, chính sách chung.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn góp ý dự thảo Nghị quyết tại tổ.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn góp ý dự thảo Nghị quyết tại tổ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, Tp. Hồ Chí Minh là một đại đô thị có tốc độ phát triển nhanh, có nguồn lực, đặc tính, điều kiện khai thác riêng, đồng thời là một mảnh đất năng động, sáng tạo. Cơ chế đặc thù cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy được điểm mạnh này, phát huy tinh, lấy lại thần năng động, sáng tạo.

Theo đại biểu trong dự thảo Nghị quyết có một số cơ chế được đánh giá đặc thù rất cần nhấn mạnh trong cơ chế thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố và mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), phù hợp với các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh…

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) mong muốn TP. Hồ Chí Minh phải rà soát đánh giá lại những cơ chế nào phù hợp để tạo điều kiện cho thành phố phát triển tốt hơn. Theo đại biểu, đây là đầu tàu kinh tế, nếu tốt mới kéo được các toa tàu đi nhanh, đi xa hơn.

Theo các đại biểu, Tp. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là nơi luôn thể hiện tính năng động, sáng tạo, do đó xứng đáng là nơi để chúng ta có thể thí điểm các chính sách mang tính đột phá, để từ đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ chính trị theo Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết số 76 ngày 15/11/2022, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2014/QH14 của Quốc hội khóa XIV.

Cùng với đó, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, có tác động lan tỏa, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Tp. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Các chính sách mới được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 4 nhóm gồm đầu tư; tài chính- ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.