18:58 17/05/2023

Cần có những giải pháp căn cơ và tình thế để vực dậy kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Vân Nguyễn

TP.HCM muốn phục hồi và phát triển trở lại thời hoàng kim cần có những giải pháp đột phá vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước bằng những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại…

“Sức khỏe” kinh tế TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro tồn đọng
“Sức khỏe” kinh tế TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro tồn đọng

Sau 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế TP.HCM có tốc độ tăng trưởng chậm dần khiến cho vai trò đầu tàu của Thành phố giảm sút. Dự báo, trong quý 2/2023 và những quý tiếp theo, kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.

Nhận định của nhiều chuyên gia, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 được kỳ vọng tạo sức bật cho Thành phố phát triển đột phá, lan toả cho vùng và cả nước.

KHÓ KHĂN VÀ RỦI RO VẪN TỒN ĐỌNG

Nhận định về tình hình kinh tế TP.HCM, TS. Trần Du Lịch cho biết, Thành phố với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TP.HCM thuận lợi, và ngược lại khi bất lợi thì Thành phố cũng bị bất lợi theo. Bước vào 2023, TP.HCM đang chịu 3 tác động lớn về khách quan. 

Thứ nhất là hạ tầng. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được là điểm nghẽn không mới, vẫn còn rất nhiều những dự án bị vướng.

Thứ hai, Thành phố chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những doanh nghiêp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, TP.HCM có khoảng gần 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. Trong Covid-19, có 3 nhóm doanh nghiệp là nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch họ vươn lên được; nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp “dật dừ” và nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện.

Thứ ba, tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những việc Thành phố chưa tháo gỡ được, “cỗ xe tam mã” đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu vẫn chưa thể phục hồi và tăng trưởng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng tình hình kinh tế hiện vẫn còn rất khó khăn và nhiều rủi ro. Ngoài rủi ro về thị trường nội địa, đã yếu từ khi Covid-19 bùng nổ đến nay vẫn chưa được cải thiện, còn có rủi ro về chính sách. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay. "Rủi ro chính sách nằm ở khâu rất cơ bản là thực thi chính sách. Muốn tháo gỡ điều này thực sự rất khó ", ông Thiên nói thêm.

CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ, KỊP THỜI

Để kinh tế sớm phục hồi, theo TS. Trần Du Lịch, cần phải dựa vào vĩ mô; phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.

Trong đó, công cụ của nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế Giá trị gia tăng theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5 - 6%, cần giải pháp mạnh hơn. Tiếp theo là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt, các ngành.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế đầu tàu, TS. Trần Du Lịch kiến nghị chính quyền đang làm những giải pháp căn cơ và tình thế. Về tình thế, cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các doanh nghiêp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Về giải pháp căn cơ, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên Thành phố có quyền tự chủ rất lớn.

“Thật sự, nếu Nghị quyết mới được thông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua và Thành phố để triển khai ngay”, TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Phối cảnh dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM
Phối cảnh dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM

Đề cập đến Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức. Vấn đề của TP.HCM không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho Thành phố là cho cả nước, cần loại bỏ suy nghĩ "xin - cho", "ơn huệ". 

“TP.HCM phải là nơi thu hút để có những "đại bàng" trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặc biệt lưu ý, Thành phố muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo ông Thiên, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế…

"TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước cần có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại nữa để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn", ông Thiên nhấn mạnh.

Nói về Cảng trung chuyển Cần Giờ, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HIFC), cho biết, HIFC đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm kiếm và xây dựng nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, HIFC cũng đang được Thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị tư vấn, các chuyên gia để hình thành đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Hiện nay, công ty đã hoàn thiện đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Bộ Kế hoạch Đầu tư, báo cáo Thủ tướng về đề án.