22:00 12/03/2021

Cơ chế "hộ chiếu vaccine": Việt Nam đã có bước chuẩn bị ban đầu

Tiến Dũng

Chính sách cụ thể liên quan đến "hộ chiếu vaccine" phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine ở từng nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chiều 12/3 - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chiều 12/3 - Ảnh: VGP

Chiều 12/3, tại Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, vấn đề  xây dựng chính sách "hộ chiếu vaccine" (visa vaccine) đã được đưa ra thảo luận.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe và phân tích chính sách "hộ chiếu vaccine" của một số nước. Theo đó, ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã có những bước chuẩn bị ban đầu.

Trước mắt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng lớn (Viettel, VNPT) sẽ tăng cường xây dựng và cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4/2021. 

Tuy nhiên, chính sách cụ thể liên quan đến "hộ chiếu vaccine" phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine ở từng nước, từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 5/3, để phục vụ mục tiêu kép, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo cũng nghe Bộ Y tế và các đơn vị liên quan báo cáo về thực tế trước đây khi một số nơi có dịch, việc quản lý và đi lại của người dân, hàng hóa chưa được thống nhất, cho nên một số địa bàn, địa phương bị ách tắc. Thậm chí, những người đi về từ địa phương có vùng dịch, ổ dịch thì việc quản lý, yêu cầu khai báo y tế không thống nhất.

Vì vậy, thường trực Ban chỉ đạo giao cho Bộ Y tế sớm thiết lập hệ thống bằng giải pháp công nghệ quản lý chặt chẽ những người có nguy cơ lây nhiễm thống nhất. Một mặt vừa kiểm soát dịch bệnh, mặt khác không ngăn sông, cấm chợ, không tạo sự kỳ thị.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng nhắc lại yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo đối với Bộ Y tế phải chỉ đạo khẩn trương rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm và có báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra nước ngoài lại dương tính. 

Bàn về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đang triển khai, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định quan điểm của Ban Chỉ đạo từ trước đến nay là huy động tất cả các kênh để tăng cường đàm phán về vaccine, huy động các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn tài trợ để đảm bảo đủ vaccine tiêm cho người dân, tuân thủ nguyên tắc công bằng trong tiếp cận vaccine và sự điều phối, triển khai tiêm vaccine thống nhất của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 11h ngày 12/3, thế giới ghi nhận hơn 119,1 triệu ca mắc COVID-19, hơn 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở trong nước, từ ngày 25/1 đến nay, cả nước ghi nhận 897 ca mắc Covid-19 tại 13 tỉnh, thành phố. Hiện 11/13 tỉnh, thành phố đã có trên 23 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trong 5 ngày gần đây, Hải Dương ghi nhận rải rác 1-2 ca/ngày, đều được cách ly trước đó.