20:07 05/03/2021

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chuẩn bị mọi phương án xử lý sự cố khi tiêm vaccine"

Tiến Dũng

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể khi triển khai tiêm vaccine, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Theo Cổng thông tin Chính phủ, ngày 5/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã họp nghe báo cáo về dịch bệnh trong nước, dự báo tình hình thế giới, triển khai rà soát năng lực xét nghiệm, các loại sinh phẩm xét nghiệm đang sử dụng. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng dành thời gian thảo luận những vấn đề liên quan đến triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19.

CHUẨN BỊ ĐẦY ĐỦ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ SỰ CỐ TRONG QUÁ TRÌNH TIÊM CHỦNG

Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước. 

Phó Thủ tướng đề nghị, khi có vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, trước đây chúng ta tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố, bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm nếu có vaccine ngừa Covid-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vaccine đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và những sơ suất đấy nếu không chuẩn bị kỹ sẽ biến thành sự cố lớn.

Thứ hai, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. 

"Trong khi đó, những vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

TĂNG TỐC NGHIÊN CỨU VACCINE TRONG NƯỚC

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Đến nay Việt Nam có 3 ứng viên vaccine, 1 loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải "tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể".

"Trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân", Phó Thủ tướng cho biết. "Vì những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chuẩn bị mọi phương án xử lý sự cố khi tiêm vaccine" - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp ngày 5/3 - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

"Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trong một thời gian ngắn hạn (6 tháng-1 năm) thì vaccine chưa phải là tất cả mà đầu tiên, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine", Phó Thủ tướng nói.

Để phục vụ mục tiêu kép, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn.

Ban Chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vaccine rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

SIẾT CHẶT VIỆC CẬP NHẬT THÔNG TIN LÊN BẢN ĐỒ CHỐNG DỊCH

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến nay, dịch Covid-19 ở trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã "bớt nóng" hơn so với trước đây nhưng Việt Nam vẫn là "cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn".

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần thực hiện tiếp các giải pháp trước đây, "bao chặt bên ngoài, bên trong thực hiện các chiến lược đã triển khai từ trước đến nay". Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn.

"Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

"Ban Chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch nhưng đến nay chỉ có rất ít các cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc. Các đồng chí phải siết lại, vì sức khoẻ nhân dân để đôn đốc triển khai quyết liệt thậm chí kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc", Phó Thủ tướng gay gắt.

Phó Thủ tướng lưu ý "trước đây khi chưa có vaccine chúng ta vẫn đang chống dịch tốt", vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Cá nhân là thông điệp 5K, còn tất cả cơ sở pháp nhân, tổ chức phải tự đánh giá, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Đây là những biện pháp phòng chống dịch căn bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh lâu dài.

BẮT ĐẦU TIÊM VACCINE TỪ NGÀY 8/3

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 5/3, thế giới hiện ghi nhận gần 115,8 triệu ca mắc và hơn 2,57 triệu ca tử vong do Covid-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, từ ngày 25/1 đến nay, cả nước ghi nhận 879 ca mắc Covid-19 tại 13 tỉnh, thành phố với tổng số mẫu xét nghiệm 992.384 mẫu.

Việt Nam ghi nhận tổng số 2.488 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.539 ca trong nước. Hiện nay 1.933 ca đã khỏi bệnh, ra viện (chiếm 78.3% tổng số ca mắc) và 501 ca đang điều trị. Hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 81,4% tổng số ca mắc), biểu hiện lâm sàng nhẹ (chiếm 15%), 18 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chuẩn bị mọi phương án xử lý sự cố khi tiêm vaccine" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đầu tuần tới sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh: VGP

Dự kiến, ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… Sau đó đến ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19… Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine Astrazeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.