Cơ hội vàng xây dựng Đà Nẵng là thành phố “môi trường”.
Lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Triển lãm và Hội thảo quốc tế về Giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam. Đây là cơ hội “vàng” để thành phố tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn...
Triển lãm và Hội thảo quốc tế về Giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam diễn ra trong hai ngày 25-26/8/2022 tại Trung tâm Triển lãm thành phố Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của gần 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi trường của nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn đến môi trường khi khối lượng chất thải rắn nói chung và đặc biệt chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều, tính chất và thành phần phức tạp, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao.
“Đây là cơ hội để các cơ quan, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt là thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo số liệu của Ban Tổ chức triển lãm, với 35 gian hàng của các đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trưng bày, giới thiệu các giải pháp, công nghệ và thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Các sản phẩm, thiết bị giới thiệu triển lãm gồm: Các sa bàn điển hình khu xử lý, trạm trung chuyển, xử lý phân bùn bể phốt; các chủng loại thiết bị xe chuyên dùng vận chuyển rác; máy xử lý rác và xe đẩy thu gom có trợ lực cho công nhân dung tích lớn và thùng đựng rác sau khi đã cho phân loại; hệ thống hấp chất thải y tế công suất 1.000 kg/ngày; các sản phẩm vi sinh thân thiện môi trường của các công ty nổi tiếng trên thế giới như: BIOSYSTEM (USA), Công ty LSC Environment Product (USA)…
Đáng chú ý, tại Hội thảo có 21 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước, có chất lượng rất cao được trình bày tại các phiên hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo những nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Bên lề Triển lãm và Hội thảo, các đơn vị cũng đã tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về môi trường, ngày hội đổi rác tái chế lấy quà, kết nối cung - cầu...
Số liệu thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho thấy năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị khoảng 964 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 100 %; khu vực nông thôn khoảng 63,5 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 100 %.
Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và vẫn mang tính khuyến khích.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên mới chỉ có 4/14 tỉnh, thành phố là: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Quảng Nam đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn. Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% rác thải nông thôn chưa được thu gom và thải bỏ ra môi trường xung quanh.
Việc chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã; 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi nilon chưa được thu gom, xử lý đúng cách làm phát sinh một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.
Với kỳ vọng thông qua Triển lãm và hội thảo, sẽ có nhiều nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tích cực đầu tư vào các dự án với các trang thiết bị hiện đại để thu gom, xử lý chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng; đồng thời sẽ nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân bằng hành động thiết thực tự giác trong việc thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn đảm bảo cho quá trình xử lý được hiệu quả an toàn, hợp vệ sinh góp phần xây dựng Đà Nẵng thành Thành mố môi trường giai đoạn năm 2021-20230.