Cổ phiếu blue-chips “vỡ trận”
VN30 vẫn còn 7 cổ phiếu xanh, trong đó BVH kịch trần, nhưng tổng thể rổ blue-chips này vẫn chìm nghỉm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm rất mạnh kết hợp với loạt trụ khác, đẩy VN30-Index giảm tới 1,6%...
VN30 vẫn còn 7 cổ phiếu xanh, trong đó BVH kịch trần, nhưng tổng thể rổ blue-chips này vẫn chìm nghỉm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm rất mạnh kết hợp với loạt trụ khác, đẩy VN30-Index giảm tới 1,6%...
GAS vẫn tỏa sáng, tăng 3,14% cùng với GVR tăng 4,2% và BVH tăng 6,88% là những cái cọc duy nhất đáng kể để VN-Index bấu víu. Dĩ nhiên ảnh hưởng vốn hóa của GAS và GVR là đáng kể, giúp chỉ số này chỉ giảm 0,92% so với tham chiếu.
Với 22/30 cổ phiếu giảm giá, trong đó 8 mã giảm trên 1%, 10 mã giảm trên 2%, rổ VN30 tạo áp lực chủ đạo lên toàn thị trường và kéo theo ảnh hưởng tới rất nhiều cổ phiếu khác.
“Tội đồ” chính hôm nay vẫn là cổ phiếu ngân hàng, với BID giảm 2,96%, TCB giảm 3,59%, VPB giảm 2,53%. Trong 10 mã của rổ VN30 giảm trên 2% thì cổ phiếu ngân hàng “xí chỗ” tới 7 mã. Trong toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn thì duy nhất còn NVB tăng 5,75%, KLB tăng 2,96%, VBB tham chiếu, còn lại toàn giảm. Tới 18 cổ phiếu ngân hàng giảm trên 1% hôm nay.
6/10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất hôm nay là các mã ngân hàng, ngoài ra có thêm VHM giảm 1,66%, VIC giảm 1,22%, HPG giảm 1,56%. Gần như tất cả các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường thuộc Top 10 hôm nay đều giảm giá.
Sức ép của các blue-chips nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng là rất lớn. Ngoài chuyện điểm số bốc hơi nhiều, cổ phiếu ngân hàng còn làm tăng thêm sự lo lắng về sức ép của việc xiết tín dụng vào bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản. Những ngân hàng có hoạt động kinh doanh trái phiếu lớn hôm nay đều bị bán tháo mạnh.
Chỉ số đại diện nhóm tài chính là VNFIN trên sàn HoSE đóng cửa giảm 2,32%, kéo theo là chỉ số đại diện nhóm bất động sản VNREAL giảm 1,72%. Cổ phiếu bất động sản dĩ nhiên vẫn có cổ phiếu tăng, nhưng phần lớn là giảm, số giảm sâu rất nhiều. CLG, PVL, DIG, FLC, VRC, CIG, LDG... giảm sàn, số giảm 2-6% thì hàng chục mã.
Ảnh hưởng mạnh mẽ của diễn thị trường chung đã khiến các cổ phiếu rất mạnh cũng phải chao đảo. Dầu khí chỉ sót lại GAS, PVC là tăng, nhưng đều không giữ được giá cao nhất. FPT, MWG, DGC cực mạnh cũng phải suy yếu, thậm chí FPT còn quay đầu giảm 1,37%. Cổ phiếu phân bón như DCM, DPM từ chỗ tăng tốt đầu phiên, sau đó cũng sụt giảm 2,06% và 2,08%...
Độ rộng sàn HoSE chiều nay không thể duy trì mức độ phân hóa tốt như buổi sáng, chỉ có 145 mã tăng/321 mã giảm. Cơ cấu giá rất bất lợi: 16 mã giảm sàn; 110 mã giảm từ 2% trở lên; 51 mã giảm trên 1%; trong khi số tăng là 12 mã trần; 42 mã tăng trên 2%; 30 mã tăng trên 1%. Thống kể cho thấy 27,7% giá trị khớp lệnh sàn này hôm nay thuộc về các mã tăng giá và 70,4% thuộc về các mã giảm giá.
VN-Index mất 13,56 điểm điểm là khá nhẹ và chỉ số vẫn chưa thủng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, vốn được chặn lại trong phiên lao dốc đầu tuần. Tuy nhiên sức ép từ các blue-chips là không thể coi thường và điểm số dễ dàng bốc hơi nếu đà giảm ở nhóm này chưa dừng lại.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng hơn 21% so với hôm qua, đạt xấp xỉ 23 ngàn tỷ đồng có dấu hiệu của hoạt động bán tháo. Giao dịch này tương đương phiên ngày thứ Ba vừa và phiên đó chỉ số cũng bốc hơi gần 27 điểm. Tuy nhiên tính trung bình 4 phiên tuần này thì giá trị khớp lệnh 2 sàn niêm yết chỉ đạt hơn 21,6 ngàn tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 21% so với trung bình tuần trước và là mức thanh khoản trung bình thấp nhất 8 tuần.