08:57 10/06/2021

Cổ phiếu chứng khoán chạy đua cùng “game” tăng vốn

Câu chuyện tăng vốn của ngành chứng khoán luôn được bàn đến mỗi khi nhà đầu tư săm soi cổ phiếu ngành này...

Ngoài kết quả kinh doanh được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, tăng vốn cũng đang trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới thị giá cổ phiếu của nhóm công ty chứng khoán.

Trong quý 1/2021, các công ty chứng khoán niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, 31 trong tổng số 35 công ty chứng khoán niêm yết có lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước.

Lý giải về kết quả tăng trưởng tốt, báo cáo SSI Research phân tích, điều này là do 5 nguyên nhân chủ yếu. Một là, lợi nhuận trước thuế quý 1/2020 đạt thấp do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường thời gian đó.

Hai là, doanh số giao dịch tăng mạnh do có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020 do mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu. Ba là, số dư cho vay ký quỹ tăng mạnh nhờ tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng trong tổng giao dịch. Bốn là, doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư gia tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp.

Sau cùng, thị trường tăng điểm mạnh giúp tăng thu nhập từ doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý 1/2021 tăng trưởng mạnh lên mức 1,1 triệu tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán được đánh giá sẽ vẫn tăng trưởng trong quý 2/2021 khi quy mô giao dịch toàn thị trường liên tục nâng cao kỷ lục.

Số liệu thống kê trong tháng 5/2021 cho biết, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước. 

Cổ phiếu chứng khoán chạy đua cùng “game” tăng vốn - Ảnh 1

Giới chuyên môn cho rằng, kỳ vọng kinh doanh phần nào phản ảnh vào thị giá nhóm công ty chứng khoán. Tuy nhiên, một động lực cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn vừa qua không thể không kể đến là kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Mới nhất, đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty Chứng khoán SSI đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ công ty từ 6.459 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Trong đó, SSI dự kiến chia cổ phiếu thưởng với khối lượng 219,1 triệu cổ phiếu; chào bán cho cổ đông hiện hữu là 109,55 cổ phiếu; chào bán cho nhân viên tối đa 10 triệu cổ phiếu và sẽ chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu. 

Hay Công ty Chứng khoán VNDirect công bố phát hành hơn 214,4 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Công ty chứng khoán Tp.HCM cũng đưa ra kế hoạch sẽ phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 50% so với hiện nay. Số tiền thu về sau phát hành dự kiến là 2.135 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 4.500 tỷ đồng. Còn Công ty Chứng khoán Tiên Phong cũng mới công bố phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi là 2.000 tỉ đồng.

Nhìn chung, theo thống kê của Fiin Pro, tính đến hiện tại có 14 công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ đã thông báo kế hoạch chào bán 1,25 tỷ cổ phiếu để huy động vốn, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị số vốn thu được ước tính hơn 10.000 tỷ đồng.

 

Một động lực cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn vừa qua không thể không kể đến là kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Đáng chú ý, nếu SSI tăng vốn thành công lên hơn 11.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc công ty này đã vượt mặt hơn 10 ngân hàng về quy mô hiện nay như LienVietPostBank, Tienphong Bank, ABBank, OCB... Còn với những công ty chứng khoán có vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ đồng như chứng khoán Tp.HCM, VNDirect đã cao hơn một số ngân hàng nhỏ như KienlongBank, Saigonbank và PG Bank...

Việc tăng vốn khủng thường đi kèm lo ngại pha loãng cổ phần. Tuy nhiên, để đánh giá về yếu tố có pha loãng hay không thì cần đánh giá kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành.

Theo tờ trình tăng vốn, đa số các công ty chứng khoán sử dụng số tiền này để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Trong khi đây lại là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư là rất lớn. Tính tới thời điểm ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý 1/2021.

Do đó, việc cổ phiếu nhóm chứng khoán pha loãng do phát hành tăng vốn theo nhiều chuyên gia chứng khoán là không đáng ngại, thậm chí đây còn được xem là động lực để thị giá cổ phiếu ngành này tiếp tục tăng.