Cổ phiếu dầu khí, hóa chất xanh ngắt bất chấp áp lực chốt lời tăng
Thị trường đột ngột sập khá mạnh ngay lúc mở cửa, dù không có thông tin xấu bất ngờ nào. Áp lực bán ra tăng khá, nhưng vẫn chưa đủ để nhấn chìm thị trường, nhất là khi vẫn còn nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt, đặc biệt các mã dầu khí và các nhóm ngành liên quan...
Thị trường đột ngột sập khá mạnh ngay lúc mở cửa, dù không có thông tin xấu bất ngờ nào. Áp lực bán ra tăng khá, nhưng vẫn chưa đủ để nhấn chìm thị trường, nhất là khi vẫn còn nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt, đặc biệt các mã dầu khí và các nhóm ngành liên quan.
Giá dầu thế giới đêm qua lẫn sáng nay tăng bùng nổ khi EU phê chuẩn lệnh cấm vận dầu của Nga. Dầu WTI đến trưa nay đã lên ngưỡng 118,6 USD/thùng, dầu Brent lên 119,29 USD/thùng. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu dầu khi ngay lập tức bùng nổ theo.
GAS đột ngột tụt giảm ngay đầu ngày, rơi xuống dưới tham chiếu 0,45%. Tuy nhiên đây có lẽ chỉ là “cú hẫng” cung cầu ở một thời điểm, vì ngay sau đó lực cầu vào ào ạt kéo giá lên. Chốt phiên sáng GAS đã tăng 6,82%, đạt 117.500 đồng, quay lại đỉnh cao nhất tháng 4. GAS dĩ nhiên là trụ mạnh nhất của VN-Index, kéo chỉ số này tới gần 4 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí nói chung đều rất nóng: PTV tăng 9,18%, PVO tăng 7,96%, POV tăng 6,56%, POS tăng 5,16%, BSR tăng 5,2%, PVC tăng 4,55%, PVS tăng 3,45%, PVB tăng 2,91%, PVD tăng 2,93%...
Nhóm cổ phiếu hóa chất, phân bón chịu tác động liên đới tới giá dầu, cũng tăng mạnh mẽ. Bộ đôi DCM, DPM tăng kịch trần, BFC, DDV, PSW tăng trên 6%. Các mã như DGC, PMB, PCE, LAS, CSV... tăng trên 4%.
VN30-Index sáng nay không mạnh, đang giảm 0,59% với 10 mã tăng/20 mã giảm. Toàn sàn HoSE chỉ có 167 mã tăng/263 mã giảm. Điều này cho thấy tổng thể thị trường cũng kém, nhưng các nhóm cổ phiếu/cổ phiếu riêng lẻ vẫn có hướng đi riêng.
Thực tế cũng cho thấy các chỉ số những ngày qua đã không đại diện hết được giao dịch của tất cả các chỉ số. Biên độ tăng ở chỉ số chậm dần, nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Sáng nay thị trường tiếp tục thể hiện điều đó, khi nhà đầu tư không quan ngại gì rủi ro điều chỉnh chung với VN-Index, mà đổ tiền vào các cổ phiếu dầu khí, phân bón, hóa chất, thậm chí là nhiều mã bất động sản.
Dòng tiền gia tăng ấn tượng tại DPM, DGC, DCM, PVD thậm chí cả GAS là biểu hiện rõ nhất của việc nhà đầu tư đang chọn lọc cơ hội riêng biệt. Ví dụ GAS, mới phiên sáng thanh khoản đã lên kỷ lục 2 tháng, đạt 1,17 triệu cổ trị giá 134,1 tỷ đồng. DPM cũng triển vọng lập kỷ lục về thanh khoản trong tháng 5. Không chỉ vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang mua vào tích cực DGC, GAS, DPM, DCM.
Với độ rộng khá hẹp, phần còn lại của thị trường bị chốt lời mạnh hơn. Diễn biến độ rộng của VN-Index thể hiện khả năng phục hồi tương đối hạn chế về giá. Thời điểm VN-Index tạo đáy ngay đầu phiên, đà giảm rất rộng với 297 mã đỏ/62 mã xanh. Độ rộng cải thiện dần sau đó, đến khoảng 11h10 VN-Index đạt đỉnh và vượt được tham chiếu, vẫn chỉ có 178 mã tăng/234 mã giảm. Cả Midcap lẫn Smallcap đang ghi nhận tăng, nhưng độ rộng ở mỗi rổ đều hẹp với số mã đỏ vượt trội.
Thanh khoản cũng gia tăng khoảng 7% so với sáng qua trên hai sàn niêm yết, đạt 8.575 tỷ đồng, VN30 lại giảm nhẹ 2%, đạt 2.468 tỷ đồng. Tuy nhiên trong Top 10 thanh khoản hai sàn thì chỉ có 3 mã đỏ, còn lại đều tăng, bao gồm nhiều cổ phiếu dầu khí, hóa chất, phân bón. Top 10 này chiếm khoảng 26,2% tổng giá trị khớp lệnh hai sàn. Như vậy thanh khoản gia tăng vẫn có nét tích cực, nhất ở những cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền nhất.
Khối ngoại sáng nay mua ròng 354,3 tỷ đồng, trong đó chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục được mua ròng 234,3 tỷ nữa. DGC được mua ròng gần 40 tỷ, GAS hơn 21 tỷ, VHM 23,9 tỷ, KBC 22,8 tỷ, HPG hơn 22 tỷ là các mã đáng chú ý nhất. Phía bán, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị bán ròng 97,3 tỷ và PNJ -33,9 tỷ đồng.