17:00 19/05/2025

Cổ phiếu LVMH mất đi sự hấp dẫn

Hoàng Anh

Giá trị vốn hóa thị trường của “gã khổng lồ” ngành hàng xa xỉ đang rơi xuống mức thấp nhất trong phạm vi 5 năm qua, nhưng mức giảm này vẫn chưa đủ hấp dẫn để kéo nhà đầu tư quay trở lại…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từng là động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán Paris trong nhiều năm, giờ đây cổ phiếu LVMH lại trở thành lực cản lớn nhất. Chỉ số CAC 40 (chỉ số thị trường chứng khoán tiêu chuẩn của Pháp) đã tụt lại so với chỉ số Stoxx 600 (Stoxx Europe 600 Index - là chỉ số đo lường hiệu suất của các thị trường chứng khoán châu Âu) khoảng 9 điểm phần trăm trong vòng một năm qua và cũng thể hiện kém hơn trong đợt phục hồi thị trường kéo dài 5 tuần hiện tại.

Trong thời gian này, cổ phiếu LVMH đã giảm tới một phần ba giá trị, riêng khoản sụt giảm này đã chiếm hơn 70% nguyên nhân khiến CAC 40 có hiệu suất yếu kém. Giá trị cổ phiếu của “ông lớn” ngành xa xỉ đang rơi xuống đáy của biên độ 5 năm qua, nhưng mức giảm này vẫn chưa đủ để thu hút nhà đầu tư quay trở lại.

Các cổ phiếu hàng xa xỉ hàng đầu châu Âu từng được xem là “cú đáp trả” cho nhóm cổ phiếu “Bảy gã khổng lồ” công nghệ của Phố Wall. Thế nhưng giờ đây, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE cùng một số đối thủ đồng ngành lại đang lao đao trước đà sụt giảm chi tiêu của nhóm khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc – những người đang thận trọng hơn vì nền kinh tế nước này suy yếu. Triển vọng toàn ngành càng trở nên u ám hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Liên minh châu Âu.

Cổ phiếu LVMH mất đi sự hấp dẫn - Ảnh 1

Nhóm chuyên gia phân tích ngành hàng tiêu dùng tại HSBC Holdings Plc do ông Erwan Rambourg dẫn đầu nhận định: “Khi nhà đầu tư tự hỏi đã đến lúc quay lại ủng hộ nhóm hàng xa xỉ hay chưa, chúng tôi ngày càng tin rằng ngành này đang được định hình bởi sự phân hóa rõ nét.” Trong ngành hiện nay có những “câu chuyện thương hiệu” yếu kém, tẻ nhạt và cả những câu chuyện tích cực, nhóm phân tích đến từ HSBC bổ sung.

Hào quang đã từng bao quanh LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, nay đã phai nhạt. LVMH không còn là công ty giá trị nhất châu Âu, thậm chí không còn giữ vị trí đầu bảng tại Pháp. Đối thủ Hermès International SCA hiện có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn và đang được giao dịch với mức định giá gấp 2,5 lần so với LVMH.

Cổ phiếu LVMH mất đi sự hấp dẫn - Ảnh 2

“Các mức định giá thấp hiện tại giống như một ‘mặt phẳng’ hơn là một ‘bệ phóng’ cho sự phục hồi – điều mà sẽ cần thêm nhiều tín hiệu rõ ràng về tăng trưởng”, ông Raphael Thuin, Giám đốc chiến lược thị trường vốn tại Tikehau Capital, nhận định.

Lần đầu tiên, thị trường dường như đang áp dụng một mức chiết khấu tập đoàn (conglomerate discount) đối với LVMH – dù công ty này sở hữu các thương hiệu thuộc hàng xa xỉ cao cấp. Đà lao dốc của cổ phiếu đã đẩy LVMH vào cuộc cạnh tranh gay gắt với Schneider Electric SE cho danh hiệu cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất trong chỉ số CAC 40. Tỷ trọng của LVMH trong chỉ số này đã giảm xuống còn 7,2%, so với mức 10,5% chỉ một năm trước.

“Hiện có sự thận trọng rõ rệt hơn đối với cổ phiếu này, khi nó đang hoạt động kém hơn cả chỉ số và toàn ngành”, theo bà Ariane Hayate, giám đốc quỹ tại Edmond de Rothschild Asset Management. Bà nhận định thêm: “LVMH cần một cú hích thực sự cho các thương hiệu chủ lực như Dior để phục hồi, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra”.

CEO tập đoàn LVMH - ông Bernard Arnault
CEO tập đoàn LVMH - ông Bernard Arnault

Gần đây, cổ phiếu ngành hàng xa xỉ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Những tiến triển trong đàm phán thương mại, đặc biệt là việc chính quyền Mỹ nới lỏng lập trường về thuế quan, cùng với các biện pháp kích thích tài khóa từ Trung Quốc đang trở thành lực đẩy cho một lĩnh vực vốn đang bị đè nặng bởi tâm lý bi quan.

Các chiến lược gia tại Barclays Plc thậm chí đã nâng xếp hạng cổ phiếu của LVMH lên mức “overweight” trong tuần này. Tuy nhiên, bất chấp tín hiệu tích cực đó, nhà đầu tư dường như vẫn ưu ái các “câu chuyện tự cải tổ” như Burberry, thay vì mở rộng lại mức độ tiếp cận toàn ngành.

Mới đây, tập đoàn xa xỉ Richemont SA - sở hữu các thương hiệu như Cartier, Piaget, Van Cleef & Arpels - đã công bố doanh thu cả năm tăng trưởng, cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn so với các đối thủ như LVMH trong bối cảnh thị trường đang yếu đi.

Cổ phiếu LVMH mất đi sự hấp dẫn - Ảnh 3

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley vừa qua đã hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận của LVMH, đồng thời giảm mục tiêu giá cổ phiếu của tập đoàn này. Họ nhấn mạnh các yếu tố bất lợi như biến động tỷ giá với đồng euro mạnh lên, mức thuế 10% của Mỹ, cùng xu hướng giao dịch đang xấu đi trong toàn ngành. Tuy vậy, Morgan Stanley vẫn giữ đánh giá “equal-weight” cho cổ phiếu.

“Tóm lại, LVMH cũng như các công ty và tập đoàn khác của ngành hàng xa xỉ hiện đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu đồng thời từ ba nhóm khách hàng chính: người Trung Quốc, người Mỹ và người châu Âu, vốn chiếm đến 75% tổng chi tiêu của ngành”, nhóm phân tích của Morgan Stanley nhận định.

Cổ phiếu LVMH mất đi sự hấp dẫn - Ảnh 4

Sự sụt giảm giá cổ phiếu của LVMH dường như không liên quan trực tiếp đến biến động chính trị do Tổng thống Emmanuel Macron gây ra khi ông khiến thị trường choáng váng bằng việc kêu gọi bầu cử quốc hội sớm vào mùa hè năm 2024.

Trong vòng một năm qua, cổ phiếu các ngân hàng lại thể hiện khá tốt, và số lượng cổ phiếu tăng giá trên chỉ số CAC còn nhiều hơn số giảm. Ngay cả trong ngành hàng xa xỉ, Hermès cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, trong khi ở nhóm tiêu dùng mở rộng, EssilorLuxottica SA và L’Oréal SA đều phát triển vượt bậc.

“Không có rủi ro chính trị nào đang hiện hữu cả và bạn có thể thấy điều đó thông qua hiệu suất cao của nhóm ngân hàng Pháp,” ông Kevin Thozet, thành viên ủy ban đầu tư tại Carmignac, cho biết. “Chúng tôi từng đầu tư vào LVMH — đó là một công ty tuyệt vời — và rất có thể sẽ đầu tư trở lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào phân khúc cực kỳ cao cấp của ngành. Chúng tôi đang nắm chắc cổ phiếu Hermès và Ferrari”.