13:06 10/10/2022

Hiệu suất của quỹ ngoại Pyn Elite Fund lại âm kỷ lục

An Nhiên

Tính chung 9 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan âm 28,65%, đây là mức âm kỷ lục kể từ khi hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 đến nay...

Ông Petri Deryng người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund.
Ông Petri Deryng người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund.

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 9.

Theo Pyn Elite, tháng 9 là một tháng tương đối khó khăn đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, chỉ số S&P 500 mất 9,3%, Dow Jones giảm 8,8% và MSCI Asia ex Japan (EUR) -10,6%. VN-Index cũng đã giảm gần 12% trong tháng 9 do hiệu suất thấp của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, tiêu biểu là các đại diện nhóm VN30 với mức điều chỉnh gần 12%. Đồng thời thanh khoản cũng rơi xuống mức thức với giá trị giao dịch trên sàn HoSE giảm hơn 14% so với tháng 8 xuống còn 566 triệu USD.

Thị trường giảm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đi theo xu hướng chung khi quyết định tăng loạt lãi suất điều hành trong đó mức lãi suất tái cấp vốn của Việt Nam được tăng từ 4 lên 5%, Pyn Elite đánh giá mức tăng là vừa phải. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng giảm 1,2% so với USD xuống 23.400 VND/USD.

Kết thúc tháng 9, hiệu suất của quỹ ngoại này âm 13,19%, qua đó ghi nhận mức thua lỗ tệ nhất 29 tháng kể từ tháng 3/2020 âm 26,78%. Tính chung 9 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan âm 28,65%, mức âm kỷ lục kể từ khi hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 đến nay, chỉ thấp hơn đôi chút so với đà giảm của VN-Index trong cùng thời kỳ (30,9%).

Hiệu suất của Pyn Elite Fund. 
Hiệu suất của Pyn Elite Fund. 

Ba cổ phiếu đóng góp vào mức giảm mạnh nhất của hiệu suất gồm NLG giảm đến 28%, KDH giảm 24,2% và CTG giảm 17,9%.

Tính tới cuối tháng 9/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt hơn 393 triệu Euro tương đương gần 9.196 tỷ đồng. So với tháng trước đó, quy mô danh mục của quỹ đã giảm xấp xỉ 60 triệu Euro tương đương giảm hơn 1.400 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của quỹ này gồm VHM chiếm tỷ trọng 17,1% trong danh mục CTG (16,4%), VRE (10,2%), VEA (9,8%), TPB (9,4%), ACV (9%)…

Về tình hình vĩ mô, GDP của Việt Nam trong quý 3 đã tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 13% và dịch vụ tăng 18,9%. Các phân khúc tăng trưởng hàng đầu trong ngành dịch vụ: thực phẩm và lưu trú tăng 172%, bán buôn và bán lẻ tăng 21%, vận tải và kho bãi tăng 28,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ghi nhận xuất siêu 6,5 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và EU. Mặt khác, tín hiệu tích cực khi CPI 9 tháng chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá nhiên liệu giảm gần đây.

Top 10 danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund. 
Top 10 danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund. 

Trước đó, nhận định về chứng khoán Việt Nam, theo Pyn Elite Fund, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết của Việt Nam sẽ đạt 25% trong năm 2022. Chứng khoán Việt Nam đang được định giá đặc biệt rẻ khi tính đến triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.

Ngay cả khi xuất khẩu của Việt Nam suy yếu trong năm tới, tác động triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết ở một mức độ hạn chế, vì các công ty xuất khẩu lớn nhất thuộc sở hữu của công ty mẹ ở nước ngoài. Những công ty này đã nhận được lợi ích về thuế nhiều năm để đổi lấy các khoản đầu tư của họ. Các chủ sở hữu vốn của các công ty xuất khẩu này sẽ tài trợ các khoản tài chính của họ.

"Chứng khoán Việt Nam vốn đã quá rẻ, nhưng tất nhiên chúng có thể giảm thêm do tâm lý toàn cầu yếu do định giá trên các thị trường chứng khoán lớn điều chỉnh theo lãi suất tăng nhanh và triển vọng tăng trưởng thu nhập bị cắt giảm do suy thoái kinh tế gây ra", người đứng đầu quản lý quỹ đến từ Phần Lan nhấn mạnh.