07:59 05/07/2021

Cổ phiếu ngành hàng không: Cơ hội để tích luỹ

An Nhiên

Khi những thông tin về tiêm vaccin xuất hiện dồn dập cũng là lúc cổ phiếu ngành hàng không được nhắc đến như là cơ hội tốt để tích luỹ…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19  đã khiến nhiều doanh nghiệp hàng không toàn cầu phá sản và giá cổ phiếu trung bình ngành sụt giảm mạnh. Tại Việt Nam, cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện giao dịch xung quanh mức giá 27.400 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa so với cùng kỳ tháng 7 năm 2019 - thời điểm chưa có dịch bùng phát. Vietjet Air giảm gần 19% so với thời điểm cuối năm 2019.

TẠM BIỆT NHỮNG KHÓ KHĂN...

Đã chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, trong nước, các hãng hàng không còn rơi vào cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt khi trong vòng 2 năm có thêm 2 hãng hàng không mới gia nhập thị trường là Bamboo Airways và Vietravel Airlines.

Việc giảm giá vé để giữ được thị phần nội địa đã phần nào khiến lợi nhuận các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo báo cáo từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước SCIC gửi Chính Phủ, trong 6 tháng đầu năm 2021 HVN có thể ghi nhận mức lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 70% tổng mức lỗ cả năm 2020. Một số doanh nghiệp khác như Vietjet mặc dù có mức lợi nhuận dương song động lực chính lại đến từ các mảng kinh doanh không phải cốt lõi bất động sản hoặc đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành hàng không sở hữu nhiều cơ hội để cải thiện mức lợi nhuận. Chẳng hạn, việc áp dụng hộ chiếu vaccin sẽ giúp gia tăng nhu cầu với các đường bay quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, HVN, VJC và Bamboo Airways đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu vaccin. Trong báo cáo triển vọng ngành hàng không phát hành ngày 29/6, Agriseco Research kỳ vọng ý tưởng này có thể sẽ được Chính Phủ Việt Nam chấp thuận khi dịch bệnh trên thế giới dần được kiểm soát vào cuối quý 3/2021.

Hiện tại, kế hoạch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử toàn cầu đang diễn ra. Đến ngày 25/6/2021, hơn 2,79 tỷ liều vaccin Covid-19 đã được sản xuất, đủ để cung cấp cho 18,2% dân số toàn cầu. Theo nhiều dự báo, phần lớn dân số các nước phát triển sẽ được tiêm chủng vào giữa năm 2022, đây cũng là những thị trường bay quốc tế chính của Việt Nam.

Trước đó, từ thời điểm 01/04/2021, hãng Vietnam Airlines đã mở lại 4 đường bay quốc tế với từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đến Hàn Quốc (Seoul), Nhật Bản (Tokyo) và Úc (Sydney). Các hãng hàng không khác như Vietjet hay Bamboo cũng cho biết sẵn sàng bay quốc tế trở lại với các thị trường như Đông Nam Á và Đông Bắc Á nếu được cấp phép.

Đối với thị trường nội địa, Chính phủ cũng đã thông báo sẽ cố gắng hoàn thành việc tiêm Vaccine cho 70% dân số vào cuối năm, điều này sẽ giúp thúc đẩy du lịch và giúp các hãng hàng không cải thiện kết quả lợi nhuận dù khó có thể về gần mức trước dịch ngay trong năm 2021.

Cổ phiếu ngành hàng không: Cơ hội để tích luỹ - Ảnh 1

Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, VnDirect cũng cho rằng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và quá trình tiêm chủng, lượng khách nội địa và quốc tế sẽ hồi phục kể từ quý 4/2021. Tổng lượng khách nội địa có thể tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ trong khi lượng khách quốc tế có thể giảm 1,1% so với cùng kỳ trong năm 2021. 

PHÙ HỢP CẢ “LƯỚT SÓNG” LẪN ĐẦU TƯ DÀI HẠN

Giới phân tích nhận định, thời điểm này chính là cơ hội vàng để mua và nắm giữ cổ phiếu ngành hàng không cả kể ngắn hạn hay dài hạn.

Cụ thể, trong ngắn hạn, đây là giai đoạn cao điểm của mùa du lịch, với việc tình hình dịch tại đợt bùng phát thứ 4 đang bắt đầu hạ nhiệt, các hãng hàng không có thể sẽ ghi nhận doanh thu hồi phục ổn trong quý 3 khi mà nhu cầu du lịch tháng 8 và 9 khả năng cao đột biến so với năm 2020.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng là chất xúc tác ngắn hạn. Một số chương trình hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra như giảm áp lực thanh toán lãi vay, cắt giảm chi phí cất hạ cánh hoặc điều chỉnh giá dịch vụ điều hành, dịch vụ mặt đất cũng đã được chính phủ áp dụng từ năm 2020, thời hạn hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh…

Theo Agriseco, các cổ phiếu hàng không sẽ có nhiều cơ hội tăng giá trong ngắn hạn khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu du lịch được hồi phục nhờ các chính sách kích cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch và hiện đang trong đợt thứ 4. Quan sát diễn biến giá cổ phiếu của 2 ông lớn ngành hàng không trong ngành là HVN và VJC trong giai đoạn này thấy giá đều có xu hướng giảm sâu khi số ca mắc mới tạo đỉnh, tuy nhiên sau đó đều hồi phục ổn khi đỉnh dịch qua đi. Theo dự báo của các chuyên gia, khả năng đỉnh dịch của đợt bùng phát thứ 4 đã qua hoặc sẽ được hình thành vào đầu tháng 7. 

Cổ phiếu ngành hàng không: Cơ hội để tích luỹ - Ảnh 2

Về dài hạn, theo báo cáo gần nhất của IATA, tổng sản lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không ước tính trong năm 2021 sẽ chỉ đạt được trên 50% so với mức trước khi đại dịch diễn ra. Con số này sẽ được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 88% vào năm 2022 và hồi phục hoàn toàn vào năm 2023. 

Các doanh nghiệp nội địa có thể song hành cùng ngành hàng không thế giới, luận điểm này là có cơ sở do khả năng kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả tại Việt Nam đã được chứng minh trong quá khứ, kết hợp với việc tiêm Vacine cho người dân đang được triển khai đúng tiến độ kỳ vọng.

ĐÁNH GIÁ HVN VÀ VJC

VJC là mã được nhắc đến nhiều nhất trong ngành nhờ vị thế là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Việt Nam – chiếm thị phần nội địa lớn nhất Việt Nam với 40% trong năm 2020. VJC cũng xếp thứ hai trong thị phần quốc tế tại Việt Nam.

Theo VnDirect, kỳ vọng lượng ghế cung cấp (ASK) tăng 2,9%/99,5% so với cùng kỳ trong năm 2021 – 2022. Cùng với đóng góp từ hoạt động bán và tái thuê (S&LB) và thanh lý tài sản, VJC có thể ghi nhận lợi nhuận ròng 1.165 tỷ/3.887 tỷ trong năm 2021 – 2022, bằng 30%/102% mức thực hiện của năm 2019. Giá của cổ phiếu VJC đã giảm 15,5% kể từ tháng 3/2021 do dịch Covid-19 bùng phát và về vùng hấp dẫn, tương ứng mức tăng giá tiềm năng 20,5%. Do đó, mức độ lợi nhuận/rủi ro của VJC là hấp dẫn để có thể tích lũy. Agriseco cũng cho rằng dư địa tăng giá cổ phiếu VJC là 20%.

Cổ phiếu ngành hàng không: Cơ hội để tích luỹ - Ảnh 3

Đối với HVN, theo Agriseco, xác suất HVN phá sản vì những ảnh hưởng từ dịch bệnh là rất thấp, tuy nhiên để tồn tại thì doanh nghiệp sẽ cần đón nhận rất nhiều hình thức hỗ trợ tăng vốn cả vốn nợ vay từ các ngân hàng TMCP và vốn góp thêm từ SCIC. Việc thoái vốn nhà Nước sẽ diễn ra khi mọi thứ trở lại bình thường vào năm 2023.

Việc sở hữu đội tàu bay lớn là một lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp khi mọi thứ quay lại bình thường trong dài hạn. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, quy mô đội tàu bay của HVN gồm 91 chiếc sở hữu và 61 chiếc đi thuê, trong khi đó VJC chỉ đang sở hữu khoảng 73 chiếc.

HVN còn sở hữu mạng lưới đường bay quốc tế đa dạng: Một số đường bay thẳng có tỷ suất lợi nhuận cao gần như độc quyền mà HVN có thể cung cấp như: (SGN – HAN) tới Heathrow (London – Anh Quốc), Frankfurt (Đức), Sydney (Úc). 

 HVN còn được hỗ trợ nhiều từ dịch vụ mặt đất như các ưu đãi về hạ tầng, vị trí và giá dịch vụ; sở hữu chuỗi giá trị đầy đủ, bao gồm các công ty con và công ty liên kết chuyên cung cấp suất ăn, dịch vụ chuyên chở và hậu cần.

Cổ phiếu ngành hàng không: Cơ hội để tích luỹ - Ảnh 4

 "Đây đang là giai đoạn khó khăn nhất của ngành hàng không và sẽ hồi phục trong giai đoạn 2022 – 2023. Do vậy kỳ vọng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành sẽ quay trở lại như năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid trong vòng 1-2 năm tới. Giai đoạn nửa cuối năm nay là thời điểm phù hợp để tích lũy các cổ phiếu ngành hàng không", Agriseco nhấn mạnh.