Cổ phiếu nhỏ nổi sóng, VN-Index “đỏ vỏ xanh lòng”
VN-Index dập dình cả ngày cuối tuần quanh tham chiếu do lực đỡ quá kém trong nhóm blue-chips. Thanh khoản của rổ VN30 thấp kỷ lục 3 tuần là nguyên nhân, nhất là khi khối ngoại vẫn đang xả mạnh. Kết phiên loạt trụ bị “dập” mạnh hơn khiến chỉ số rơi qua tham chiếu. Tuy nhiên diễn biến đó không phủ nhận được thực tế là phần còn lại của thị trường giao dịch rất sôi động...
VN-Index dập dình cả ngày cuối tuần quanh tham chiếu do lực đỡ quá kém trong nhóm blue-chips. Thanh khoản của rổ VN30 thấp kỷ lục 3 tuần là nguyên nhân, nhất là khi khối ngoại vẫn đang xả mạnh. Kết phiên loạt trụ bị “dập” mạnh hơn khiến chỉ số rơi qua tham chiếu. Tuy nhiên diễn biến đó không phủ nhận được thực tế là phần còn lại của thị trường giao dịch rất sôi động.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên mất 0,87 điểm. Chốt đợt khớp lệnh liên tục VN-Index đang tăng 0,87 điểm. Như vậy riêng ATC chỉ số dao động -1,74 điểm. Cộng hưởng của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân.
Đáng chú ý nhất là VCB, dòng tiền đỡ quá kém khiến giá rơi quá dễ dàng. Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, cổ phiếu này đang đứng giá 93.500 đồng, kết phiên rơi xuống 92.000 đồng, giảm 1,29% so với tham chiếu nhưng thực chất là giảm 1,6% trong một lần khớp lệnh. VCB khiến VN-Index mất tới 1,4 điểm. Bất ngờ là thanh khoản của VCB trong đợt cuối chỉ có 90.000 cổ, quá thấp nhưng vẫn khiến chỉ số bị tác động mạnh.
Loạt trụ khác bao gồm VIC, BID, GAS, SABcũng suy yếu ở đợt giao dịch cuối cùng. VIC đóng cửa giảm 1,14%, BID giảm 0,8%, GAS giảm 1,06%, SAB giảm 1,58%. Điểm chung là các cổ phiếu này đều có thanh khoản rất nhỏ trong đợt ATC. Rõ ràng là bên bán không gây sức ép gì đột biến, chỉ là lực cầu quá yếu nên giá rơi sâu. Tổng thanh khoản khớp lệnh của rổ VN30 hôm nay giảm tới 25% so với hôm qua, chỉ đạt hơn 2.656 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 tuần.
Mặc dù VN-Index kết phiên đỏ, VN30-Index cũng giảm 0,13%, nhưng độ rộng thị trường rất tốt nhờ 227 mã tăng/146 mã giảm. Rõ ràng cổ phiếu ngoài nhóm blue-chips đã đi đường riêng. Thực tế biến động của độ rộng trong phiên cũng cho thấy giá cổ phiếu phần lớn không bị tác động từ chỉ số: Suốt cả phiên chiều số tăng giá luôn duy trì trên 200 mã, nhiều áp đảo so với số giảm giá. Đến hết ngày, sàn HoSE tậm chí có 14 cổ phiếu tăng kịch trần, ABS, HTN, FIT, VPG thuộc số này và có thanh khoản khá ấn tượng. Midcap đóng cửa tăng 0,55%, Smallcap tăng 0,75%. Toàn sàn còn có thêm gần 120 mã khác tăng trên 1%.
Ngoài nhóm kịch trần, khá nhiều cổ phiếu thanh khoản 30-40 tỷ tới trên trăm tỷ đồng có mức tăng giá 3-6% như SKG, GEX, DPG, DXG, LDG, VIX, TCH, CII. Sàn HoSE phiên này có 19 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 13 mã tăng giá thì duy nhất SSI và STB thuộc rổ VN30 mà hai cổ phiếu này cũng tăng không đáng kể 0,22% và 0,74%.
Dòng tiền đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Hôm nay độ rộng thể hiện trạng thái giao dịch sôi động không kém gì đợt tăng đầu tháng 5. Trái lại tiền tiếp tục thoát khỏi nhóm vốn hóa lớn, nhất là nhóm ngân hàng. Tất cả cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 phiên này khớp 988 tỷ đồng, giảm tới 44% so với hôm qua. Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng ở HoSE giao dịch 1.464,5 tỷ đồng, giảm 37%. Tỷ trọng giao dịch của nhóm này chỉ chiếm 15,5% giá trị khớp HoSE, mức thấp nhất 2 tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang duy trì cường độ rút vốn đáng chú ý. Hôm nay khối này xả 1.173,6 tỷ đồng trên HoSE và rút ròng 332,1 tỷ đồng. VHM bị bán ròng lớn nhất -103,1 tỷ, VND -58,3 tỷ, HSG -47,6 tỷ, CTG -45,4 tỷ, HPG -33,2 tỷ, NVL -27,5 tỷ, DXG -22,8 tỷ, BVH -22 tỷ. Phía mua chỉ có VCB +66,6 tỷ và VRE +20,2 tỷ là đáng kể. Tính chung tuần này khối ngoại bán ròng hơn 2.200 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE.