Cổ phiếu tài chính sụp đổ
Thị trường không hẳn yếu đi trong phiên chiều, nhưng các chỉ số thì bị trụ giảm sâu kéo xuống đáng kể. VN30-Index sụt giảm tới 0,82% trong khi cuối phiên sáng mới giảm 0,47%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng nặng nề...
Thị trường không hẳn yếu đi trong phiên chiều, nhưng các chỉ số thì bị trụ giảm sâu kéo xuống đáng kể. VN30-Index sụt giảm tới 0,82% trong khi cuối phiên sáng mới giảm 0,47%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng nặng nề.
Gần như tất cả các blue-chips ngân hàng chiều nay đều lao dốc sâu hơn, giảm đáng kể so với thời điểm chốt phiên sáng. Duy nhất TPB mạnh thêm 1,67% và đóng cửa tăng 2,4%. ACB cũng có phục hồi một chút nhưng vẫn đóng cửa dưới tham chiếu 0,16%.
Cổ phiếu ngân hàng quá yếu là nguyên nhân kéo VN-Index lẫn VN30-Index xuống sâu hơn. TPB và ACB có ảnh hưởng rất ít đến cả hai chỉ số này. Trong khi đó VCB trượt dốc giảm tới 1,34% so với tham chiếu. Đặc biệt VPB giảm sốc 3,03%. CTG giảm 2,14%, BID giảm 1,65%, TCB giảm 1,21%. Như vậy 4 mã lớn nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng đều giảm sâu và nằm trong nhóm đầu khiến cả hai chỉ số này mất điểm.
Các chỉ số nhóm có “dính dáng” đến ngân hàng trên sàn HoSE đều đóng cửa giảm mạnh: Chỉ số VNFIN giảm 1,9%, VNFINLEAD giảm 2,01%, VNFINSELECT giảm 2,03%. Toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn thì duy nhất TPB, NVB tăng, còn lại là giảm. 6 mã giảm trên 3% là STB, LPB, EIB, OCB, VIB, VPB. 10 cổ phiếu khác giảm trên 1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên 3 sàn vẫn có vài mã nhỏ tăng như CSI, APS, ORS, PSI, nhưng những cổ phiếu quan trọng thì giảm mạnh: SSI giảm 3,57%, HCM giảm 2,88%, VND giảm 2,94%, MBS giảm 2,15%, FTS giảm 1,44%, SHS giảm 1,93%, VCI giảm 3,03%...
Nhóm cổ phiếu tài chính nói chung đã yếu từ sáng nhưng đến chiều đều bị bán tháo mạnh thêm đáng kể. May mắn là chỉ có ngân hàng là có sức nặng đối với các chỉ số. Tuy nhiên cổ phiếu tài chính là nhóm rất nhạy với diễn biến thị trường cũng như chuyển động vĩ mô. Do đó sự phản ứng rất tiêu cực này cho thấy thị trường đang rất lo ngại.
VN30-Index chịu ảnh hưởng nhiều của cổ phiếu ngân hàng, đóng cửa giảm 0,82% so với tham chiếu, có 10 mã tăng/19 mã giảm. Độ rộng này thực ra là tốt hơn phiên sáng (7 mã tăng/22 mã giảm), nhưng điểm số lại bốc hơi nhiều hơn. Điều đó thể hiện sự đuối sức ở nhóm vốn hóa lớn. Ngoài ngân hàng, thêm VIC giảm 0,34%, VHM giảm 1,66%, SAB giảm 1,41%, MSN giảm 1,82%, MWG giảm 1,25%, VRE giảm 3,09%.
Trong nhóm trụ, chiều nay GAS mạnh nhất. Cổ phiếu này cuối phiên sáng tăng 1,86% đã là rất tốt so với mặt bằng chung. Ngay khi bước vào phiên chiều GAS đã tăng bùng nổ. Đến 1h38 giá đã chạm tới mức kịch trần. Phiên chiều cực kỳ xuất sắc này đã đưa GAS lên đỉnh cao nhất 3 năm và chỉ còn thấp hơn đỉnh lịch sử hồi tháng 4/2018 (theo giá điều chỉnh) khoảng 9% nữa.
GAS chiều nay là một trong những mã thanh khoản nhất, với giá trị khớp lệnh tăng thêm gần 233,3 tỷ đồng. Tính chung cả phiên, GAS khối lượng giao dịch đạt 4,34 triệu cổ, gần tương đương kỷ lục lịch sử hôm 28/9 vừa qua (4,52 triệu) nhưng về giá trị thì hôm nay GAS lập kỷ lục với 434,8 tỷ đồng do hôm 28/9 vừa qua giá thấp hơn 8,83% (chỉ đạt 422,2 tỷ đồng). Hôm nay cũng đúng vào ngày T+3 của khối lượng lịch sử về tài khoản và GAS đã có một phiên giao dịch hoành tráng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí được khuyến khích từ GAS, hầu hết mạnh hơn phiên sáng. PVD đa tăng 3,51% so với tham chiếu, diễn biến giá lên gần trùng nhịp với GAS. PVT đảo chiều sang tăng 0,87%, PLX cũng thành tăng 0,58%...
Nhóm cổ phiếu phân bón cũng nóng thêm nhiều. HDB, HSI, NFC, APP, CSV kịch trần. DCM tăng vọt lên 6,62%. DPM lên sát giá kịch trần trước khi tụt trở lại và đóng cửa tăng 3,53%...
Với độ rộng sàn HoSE không quá tệ, có 137 mã tăng/269 mã giảm, thực ra là có cải thiện chút so với cuối phiên sáng (124 mã tăng/278 mã giảm). Dù vậy sức ép từ các blue-chips là quá mạnh.
Thanh khoản phiên chiều hai sàn đạt khoảng 9.979 tỷ đồng, chỉ thấp hơn phiên sáng 7% và tăng 47% so với chiều hôm qua. Giao dịch khá tốt cả sáng lẫn chiều giúp thanh khoản cả phiên tăng 36,6%, đạt 20.660 tỷ đồng giá trị khớp lệnh hai sàn.
Khối ngoại vẫn là điểm trừ với mức bán ròng 536,6 tỷ đồng trên HoSE. MSN bị xả 103 tỷ đồng ròng, VCB hơn 87 tỷ, VHM gần 70 tỷ. Đó là các cổ phiếu lớn nhất phía bán, trong khi mua tốt nhất là VNM cũng chưa tới 54 tỷ đồng.