Cổ phiếu phân bón, dầu khí tỏa sáng bất chấp thị trường lao dốc
Diễn biến rất xấu của chứng khoán thế giới đêm qua và sáng nay phần nào ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Tuy vậy điều quan trọng nhất vẫn là dòng tiền mua quá yếu, trong khi tâm lý bán ra lại áp đảo, đẩy đa số cổ phiếu lao dốc. Duy có dầu khí và phân bón là các nhóm ngược dòng...
Diễn biến rất xấu của chứng khoán thế giới đêm qua và sáng nay phần nào ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Tuy vậy điều quan trọng nhất vẫn là dòng tiền mua quá yếu, trong khi tâm lý bán ra lại áp đảo, đẩy đa số cổ phiếu lao dốc. Duy có dầu khí và phân bón là các nhóm ngược dòng.
VN-Index kết phiên sáng đang ở sát mức thấp nhất, giảm 0,47% so với tham chiếu, tương đương 6,27 điểm. Thị trường ban đầu không tệ, VN-Index chỉ giảm nhẹ những phút đầu tiên, đến 10h còn hồi lại vượt tham chiếu. Tuy nhiên càng về cuối áp lực bán càng tăng.
Ảnh hưởng của nhóm blue-chips là rất đáng kể, khi diễn biến của VN30-Index trùng khớp hoàn toàn với diễn biến của VN-Index trong phiên sáng. Cả hai chỉ số cùng đạt đỉnh ở một thời điểm, cùng lao dốc trong phần lớn thời gian sau đó.
VN30 kết phiên sáng chỉ còn sót lại 7 mã tăng, 22 mã giảm, trong khi đạt đỉnh chỉ có 4 mã giảm. Chỉ số này đang giảm 0,66% so với tham chiếu. Tuy vậy đà lao dốc ở cổ phiếu thành phần thì lớn hơn nhiều: VCB từ tăng 1,03% đảo ngược thành giảm 1,03%; GVR chốt phiên sáng vẫn đang tăng 0,28% nhưng so với mức tăng 1,53% lúc 10h (thời điểm VN-Index đạt đỉnh) thì rõ ràng là thất bại...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đảo chiều trên 1% sáng nay và đang giảm khá sâu. Ngoài VCB, có thể kể tới HDB giảm 0,98%, CTG giảm 0,82%, STB giảm 2,53%, VPB giảm 2,58%. Ngoài ra còn VHM giảm 1,03%, MSN giảm 1,12%, SAB giảm 0,83%, VRE giảm 1,37%...
Nhóm cổ phiếu phân bón vẫn đang tăng giá rất xuất sắc trong bối cảnh thị trường chìm trong sắc đỏ. Các mã lớn và thanh khoản cao tăng không quá nóng như DCM tăng 3,59%, DPM tăng 2,72%, nhưng nhiều cổ phiếu nhỏ hơn trên 3 sàn rất mạnh: DHB tăng 14%, HSI tăng 13,04%, NFC tăng 9,1%, VAF tăng 6,78%, CSV tăng 4,2%, BFC tăng 3,2%...
Cổ phiếu dầu khí phân hóa nhưng hầu hết vẫn còn tăng. PLX giảm nhẹ 0,19%, PVO, PVT, PSN giảm, PVB, PVY, OIL tham chiếu, nhưng PCG kịch trần, PVC tăng 2,59%, PVD tăng 1,54%, PVS tăng 0,35%, BSR tăng 2,03%...
Sàn HoSE chốt phiên sáng nay với 124 mã tăng/278 mã giảm và HNX cũng chỉ có 73 mã tăng/134 mã giảm. Rõ ràng là độ rộng co hẹp toàn diện trên cả hai sàn. Những cổ phiếu còn tăng đa phần tụ ở nhóm vốn hóa nhỏ. Smallcap-Index sàn HoSE đang tăng 0,21% và là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất tăng.
Dù vậy ngay trong rổ smallcap cũng có yếu tố vốn hóa chênh lệch kéo chỉ số. Độ rộng của rổ chỉ còn 65 mã tăng/104 mã giảm. Nhóm này có chưa tới 30 mã tăng được trên 2% - mức tăng bình thường với hàng đầu cơ. 5 mã đang kịch trần là GSP, TDG, ASP, TNA và CRC. Thanh khoản ở các mã này quá nhỏ.
Trong khi đó các mã smallcap có thanh khoản tốt thì giá không mạnh. NKG giao dịch nhiều nhất với 263,6 tỷ đồng thì sau khi đạt đỉnh tăng 0,98% lúc 10h cùng với các chỉ số, đã quay đầu và rơi trở về tham chiếu. FRT chỉ còn tăng 0,32%, IJC đang giảm 0,36%, DGW tăng yếu 0,76%, LCG giảm 1,08%...
Thanh khoản khá cao trên HoSE sáng nay chủ yếu là do nhà đầu tư bán ra tăng cường từ sau 10h. Tất cả các chỉ số sàn này, kể cả smallcap, đều lao dốc từ đây. Không chỉ vậy, độ rộng cũng co hẹp theo: Lúc 10h, HoSE ghi nhận 198 mã tăng/162 mã giảm, nhưng về cuối phiên thì số giảm áp đảo. Tổng giá trị khớp lệnh của HoSE tăng 30% so với sáng hôm qua, đạt 9.371,7 tỷ đồng nhưng cổ phiếu lại trượt dốc. Điều này xác nhận lực bán tăng đẩy thanh khoản lên và đẩy giá xuống.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng bán ròng khá nhiều, đạt 236,5 tỷ đồng. Khối này bán khá lớn qua thỏa thuận, tổng giá trị bán đạt 4.008,1 tỷ đồng và mua vào 3.771,6 tỷ đồng. MSN đang bị xả nhiều nhất với 83,6 tỷ ròng. Tiếp đó là VCB -50 tỷ, VHM -32 tỷ, HPG, VRE quanh 20 tỷ đồng. Phía mua có VNM +49 tỷ, GAS +28 tỷ là đáng kể nhất.