09:33 01/01/2023

Cổ phiếu tăng gấp 4 lần, Sông Đà 1.01 chính thức đổi chủ

Thuỷ Tiên

Đi cùng việc cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 tăng đột biến là diễn biến đổi chủ thành công của công ty này...

Quang cảnh đại hội của Sông Đà 1.01
Quang cảnh đại hội của Sông Đà 1.01

Khoảng 3 tháng cuối năm 2022, cổ phiếu SJC của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 tăng đột biến. Chốt năm 2022, cổ phiếu này dừng ở mức 17.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gấp hơn 4 lần dù chỉ được khớp lệnh vào thứ Sáu hàng tuần do đang trong diện 

Đi cùng diễn biến tăng giá là việc Sông Đà 1.01 đổi chủ. Cụ thể, công ty này vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua sửa đổi một số nội dung trong điều lệ, đồng thời thông qua việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát kể từ ngày 31/12/2022. Bao gồm các cá nhân ông Phạm Thanh Phong - Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Tạ Văn Trung – thành viên Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Bình Đông – thành viên Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Thanh Hiếu – thành viên Ban kiểm soát.

Bên cạnh đó, Đại hội chính thức bầu thành viên Hội động quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 5 thành viên: Bà Vũ Thị Thúy; ông Phạm Khánh Phương; ông Trịnh Văn Tôn; ông Nguyễn Văn Đức; ông Tạ Văn Trung.

Ngoài ra, Đại hội thông qua tờ trình chấm dứt hoạt động toàn bộ các chi nhánh trực thuộc công ty và không thông qua tờ trình giao cho ông Nguyễn Bình Đông - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 triển khai thực hiện thi công Dự án Eco Green Tower - Số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội.

Ban lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 cho biết, trong năm 2023 sẽ tập trung ưu tiên hàng đầu là giải quyết những khó khăn nội tại của Sông Đà 1.01 và nhanh chóng tái khởi động dự án Hanoi Landmark 51.

Diễn biến tăng giá mạnh của SJC dù chỉ giao dịch khớp lệnh vào thứ 6 thàng tuần
Diễn biến tăng giá mạnh của SJC dù chỉ giao dịch khớp lệnh vào thứ 6 thàng tuần

Trước đó, thời điểm hàng loạt cổ đông cũ thoái vốn, Sông Đà 1.01 đã có sự xuất hiện của hai cổ đông lớn cá nhân mới với tỷ lệ nắm giữ lên tới 48%. Cụ thể, ngày 28/10, bà Thái Thị Thu Nga - em dâu ông Tạ Văn Trung - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc SJC đã bán ra toàn bộ 370.000 cổ phiếu SJC và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,31% vốn về 0%.

Cũng trong ngày 28/10, con trai ông Tạ Văn Trung là ông Tạ Trung Hậu đã bán 543.193 cổ phiếu SJC, tương đương 7,83%; và cổ đông lớn Phạm Thị Loan đã bán 726.990 cổ phiếu SJC, tương ứng tỷ lệ 10,48%. Sau giao dịch, ông Hậu và bà Loan đều không còn nắm giữ cổ phiếu SJC.

Ngoài ra, các cá nhân Phạm Hồng Nhung, Phạm Thu Huyền cũng không còn là cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 kể từ ngày 28/10. Như vậy, chỉ riêng trong ngày 28/10, Công ty đã “chia tay” tới 5 cổ đông lớn.

Ở chiều ngược lại, ngay tại ngày 28/10, ông Phạm Khánh Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sông Đà 1.01 khi mua thành công gần 3,156 triệu cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu 45,51%. Trước đó, ông Phương không sở hữu một cổ phiếu nào của Sông Đà 1.01 và không có người liên quan tại doanh nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01, ngày 18/11, ông Phương tiếp tục mua vào 66.800 cổ phiếu SJC bằng hình thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,65%.

Tuy nhiên, ngày 25/11, ông Phương đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%. Đến ngày 9/12, tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,26%.

Cùng ngày 25/11, Sông Đà 1.01 cũng công bố có thêm cổ đông lớn mới là bà Vũ Thị Thúy đã mua vào đúng lượng cổ phiếu mà ông Phương bán ra, tương đương tỷ lệ sở hữu là 23,53%. Trước khi trở thành cổ đông lớn, bà Thúy cũng không sở hữu cổ phiếu SJC nào.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính của SJC cho thấy, nếu giai đoạn 2007 – 2012, công ty vẫn có mức doanh thu trung bình trên 150 tỷ đồng/năm cùng lợi nhuận ròng trên 12 tỷ đồng/năm, thì đến năm 2013, doanh thu đã giảm một nửa chỉ còn 74,5 tỷ đồng cùng lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.

Những năm tiếp theo, doanh thu sụt giảm nặng nề hơn khi giai đoạn 2014 – 2016, doanh thu lần lượt chỉ là 7,85 tỷ đồng, 12,9 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận cũng chỉ còn 165 triệu đồng (2014), 1,1 tỷ đồng (2015) và âm 3,6 tỷ đồng (năm 2016).

Giai đoạn 2017-2020 tình hình cũng không mấy khả quan hơn với doanh thu trung bình khoảng gần 20 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ có năm 2017 ghi nhận dương 191 triệu đồng, năm 2019 là hơn 71 triệu đồng, còn năm 2018, 2020 lần lượt âm 1,7 tỷ đồng và 500 triệu đồng.

Dù chưa nộp báo cáo tài chính cả năm 2021, nhưng theo báo cáo tà chính tự lập quý 4/2021 của SJC, doanh thu cả năm đạt gần 45,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 cũng không có tiến triển gì khi ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 99 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, SJC lỗ ròng hơn 144 triệu đồng.