Cổ phiếu thép tiếp tục nóng bỏng, vốn ngoại quay lại mua ròng
Ảnh hưởng của những trụ lớn như VCB, GAS, VIC tiếp tục phản ánh lên các chỉ số. Tuy vậy nhiều nhóm cổ phiếu vẫn đi đường riêng. HPG dẫn đầu nhóm cổ phiếu thép, vươn lên thành mã dẫn dắt...
Ảnh hưởng của những trụ lớn như VCB, GAS, VIC tiếp tục phản ánh lên các chỉ số. Tuy vậy nhiều nhóm cổ phiếu vẫn đi đường riêng. HPG dẫn đầu nhóm cổ phiếu thép, vươn lên thành mã dẫn dắt.
Đà tăng mạnh nhất nhóm cổ phiếu thép không phải ở HPG, mà là HSG, NKG tiếp tục có phiên kịch trần thứ hai. Lợi nhuận T3 của HSG tới 20,1%, của NKG là 19.4%.
Dòng tiền đổ vào các cổ phiếu thép rất ấn tượng. HSG mới phiên sáng đã giao dịch lớn hơn cả ngày hôm qua khoảng 13% về khối lượng, đạt 7,83 triệu cổ tương đương 281,6 tỷ đồng. NKG đang giao dịch 5,37 triệu cổ với 199,6 tỷ đồng, cũng chắc chắn sẽ vượt thanh khoản hôm qua nếu nhà đầu tư bán ra nhiều hơn.
HPG dẫn đầu về thanh khoản toàn thị trường với 31,69 triệu cổ tương đương 1.501,7 tỷ đồng. Mức giao dịch này đã cao hơn cả ngày hôm qua tới gần 20%. Tuy vậy HPG chỉ tăng 4,28% do chính khả năng thanh khoản quá lớn này. HPG tăng mạnh giúp VN-Index có 2,3 điểm, trở thành cổ phiếu ảnh hưởng nhất tới chỉ số này.
Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay lại mua ròng khá mạnh ở HPG. Gần 4,8 triệu cổ được mua vào, trong khi bán ra là gần 2,8 triệu cổ. Vị thế ròng là +94 tỷ đồng, thậm chí là cổ phiếu được khối này mua ròng lớn nhất sáng nay. HSG cũng được mua ròng khá tốt với 20,7 tỷ đồng.
Ngoài thép, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng rất khá dù yếu nhất lại là các blue-chips hàng đầu: SSI chỉ tăng nhẹ 0,22%, HCM tăng 0,78%. Tuy vậy VCI tăng 1,85%, VND tăng 2,29%. Đặc biệt các mã như PHS, APS, BMS, VUA, TCI đều tăng trên 4%.
Điều đáng tiếc trong phiên giao dịch sáng nay là những cổ phiếu tăng tốt nhất lại không đóng vai trò nhiều trong việc nâng đỡ chỉ số. Ngoài HPG, chỉ thêm MSN tăng 1,03%, VNM tăng 0,98%, TCB tăng 0,74% là các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa tăng đáng kể.
Trong khi đó, VCB, VIC và GAS là 3 mã cực lớn lại gia nhập nhóm giảm giá. VIC sáng nay vẫn không tránh khỏi một nhịp giảm nữa, dù 30 phút đầu phiên đã quay đầu xanh. VIC đang chịu nhiều áp lực hơn từ khối nhà đầu tư trong nước, khối ngoại xả 1,9 triệu VIC chỉ tương đương 44% thanh khoản, chưa kể phía mua là 777.000 cổ. Mức bán ròng xấp xỉ 99 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay giằng co phân hóa, nhưng đáng tiếc là mã lớn nhất VCB lại giảm sâu nhất với -1,41%. Cổ phiếu lớn thứ hai trong nhóm là BID chỉ giảm 0,74%. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng trên 3 sàn thì chỉ có 9 mã giảm và 12 mã tăng. KLB, HDB, VIB tăng trên 1% thì ảnh hưởng quá hạn chế.
Nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 vẫn là các mã giữ nhịp sáng nay với chỉ số đại diện tăng 0,43% và có 16 mã tăng/12 mã giảm. VN-Index bị VCB, GAS, VIC kéo xuống quá nhiều, chỉ tăng 0,17%, dù độ rộng tích cực nhờ 244 mã tăng/181 mã giảm. Toàn sàn HoSE có 108 mã tăng trên 1% và 81 mã giảm trên 1%. Đây là trạng thái cân bằng bình thường.
Tín hiệu khá tốt nữa là thanh khoản vẫn đang đi lên. Tổng mức khớp lệnh hai sàn phiên sáng đạt 15.731 tỷ đồng, cao hơn sáng hôm qua 10%. HoSE cũng tăng khoảng 10% giá trị khớp lệnh, riêng VN30 tăng 12%. Điều này giúp tỷ trọng giá trị của nhóm blue-chips đạt 45,4% sàn HoSE.
Hiện VN-Index đang lùi trở lại sát tham chiếu với khoảng cách chỉ chưa tới 2,5 điểm, đứng mức 1503,48 điểm. Tuy vậy rủi ro để thủng ngưỡng 1500 điểm hoàn toàn phụ thuộc vào việc VCB, GAS và VIC có rơi thêm nữa hay không. Hiện GAS và VIC đang chốt sát mức thấp nhất phiên sáng, trong khi VCB đã hồi lại một chút từ đáy giảm 1,85%.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng 362,8 tỷ đồng trên HoSE, khoảng 17 tỷ trên HNX và 21 tỷ trên UpCOM. Ngoài HPG, giao dịch mua ròng cổ phiếu lớn thuộc về VND với gần 50 tỷ, GEX hơn 49 tỷ, MSN trên 30 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 218,5 tỷ đồng. Phía bán ròng sau VIC là SSI với -41 tỷ, NVL -29 tỷ, CTG -26 tỷ, MSB -24 tỷ đồng.