22:31 15/12/2022

Cổ phiếu vẫn bị hạn chế giao dịch, Vietravel Corporation đăng ký bán hơn 1,87 triệu cổ phiếu VTR

Hà Anh

Gần 17,3 triệu cổ phiếu VTR chính thức bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9 vừa qua và nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ sáu hàng tuần trên sàn UPCoM.

Biểu đồ giá cổ phiếu VTR thời gian qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu VTR thời gian qua.

CTCP Tập đoàn Vietravel (Vietravel Corporation), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã VTR – UPCoM) đăng ký bán 1.785.714 cổ phiếu VTR.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 16/12/2022 đến ngày 13/1/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện Vietravel Corporation đang là cổ đông lớn của VTR khi sở hữu gần 7,04 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 42,24%.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, hiện đang sở hữu 286.530 cổ phiếu VTR, tỷ lệ 1,72%.

Trên thị trường, chốt phiên giao dịch sáng ngày 15/12, cổ phiếu VTR đứng tại mốc tham chiếu 21.400 đồng/CP. Nếu tạm tính với mức thị giá này, Vietravel Corporation sẽ thu về khoảng 40,14 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu VTR.

Trước đó, HNX đã có quyết định hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM với cổ phiếu VTR.

HNX cho biết nguyên nhân cổ phiếu này bị hạn chế giao dịch là vì Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Theo đó, gần 17,3 triệu cổ phiếu VTR chính thức bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9. Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ sáu hàng tuần trên sàn UPCoM.

Tại báo cáo tài chính bán niên 2022, doanh thu của Vietravel đạt mức 1.202 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, VTR ghi nhận lỗ hơn 114 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của Vietravel ghi nhận âm 104 tỷ đồng, lỗ lũy kế khoảng 300 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 2.234 tỷ đồng - trong khi đó, các khoản nợ cũng lên đến gần 2.339 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính quý 3/2022, VTR ghi nhận doanh thu đạt 1.478 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 7 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ 192 tỷ đồng.

Theo VTR, năm 2022, Chính phủ công bố kế hoạch mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022, du khách đã có khoảng thời gian đủ để thích nghi với tình hình mới và chuẩn bị cho mình những chuyến du lịch vào dịp Hè, rơi vào Quý 3 năm 2022. Chỉ tính riêng mảng du lịch, doanh thu trong Quý 3 năm 2022 của Vietravel đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh du lịch theo đó đạt hơn 144 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng đang có xu hướng đặt tour từ rất sớm trước khi khởi hành đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho Công ty, qua đó làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuê đôi với mảng kinh doanh du lịch trong Quý 3 năm 2022 ghi nhận mức lãi ấn tượng, đạt 51.461.517.161 đồng.

Đối với mảng kinh doanh hàng không, lợi nhuận từ các đường bay nội địa Vietravel Airlines đang triển khai vẫn chưa bù đắp được cho các khoản chi phí, do vậy sau khi hợp nhất số liệu, khoản lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp trong quý 3/2022 chỉ còn 6.997.876.088 đồng, nhưng so với cùng cùng kỳ vẫn tăng gấp nhiều lần.

Vietravel Airlines cho biết, công ty đang trong quá trình thực hiện các thủ tục xin phép để mở các đường bay quốc tế vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Với các đường bay quốc tế dự kiến đưa vào khai thác, Vietravel Airlines nhiều khả năng sẽ cân đối được chi phí và tạo ra lợi nhuận để góp phần vào kết quả chung của Vietravel.

Luỹ kế 9 tháng năm 2022, doanh thu của VTR đạt hơn 2.680 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (606 tỷ đồng) và lợi nhuận lỗ hơn 107 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ hơn 485 tỷ đồng. EPS 9 tháng âm 6.492 đồng/cổ phiếu.