11:17 08/02/2022

Mỹ áp lệnh hạn chế giao dịch với 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc

Đức Anh

Chính phủ Mỹ ngày 7/2 thông báo áp lệnh hạn chế giao dịch với 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc bị cho là “chưa được xác minh được chủ sở hữu"...

Mỹ liên tục áp lệnh hạn chế với các thực thể Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia - Ảnh: AP
Mỹ liên tục áp lệnh hạn chế với các thực thể Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia - Ảnh: AP

Các thực thể Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào “danh sách chưa xác minh được chủ sở hữu" chủ yếu là các nhà sản xuất công nghệ cao - bao gồm những doanh nghiệp sản xuất linh kiện laser và dược phẩm, một số viện nghiên cứu của chính phủ và 2 trường đại học. Các công ty Mỹ muốn bán hàng hóa, dịch vụ cho các thực thể trong danh sách này phải xin giấy phép của Bộ Thương mại.

Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam ở Thâm Quyến, một trong hai đại học mới bị đưa vào danh sách, có liên quan tới một cáo trạng nhằm vào một giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ – người bị cáo che dấu mối liên hệ với Trung Quốc trong các tài liệu xin ngân sách liên bang. Các cáo buộc nhằm vào giáo sư này đã bị hủy bỏ vào tháng trước với lý do không đủ bằng chứng.

Số lượng các công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại áp hạn chế - bao gồm cả những doanh nghiệp trong danh sách thực thể bị hạn chế thương mại và danh sách "người dùng cuối trong lĩnh vực quân sự" - đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh các nhà chức trách Mỹ cố gắng ngăn chặn việc ứng dụng các công nghệ dành cho sản phẩm thương mại sang dùng cho lĩnh vực quân sự, đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.

 

Giới chức Mỹ từ lâu luôn cho rằng hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của phía Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD và mất hàng nghìn việc làm. Họ cũng cho rằng hành động này đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Cũng trong ngày 7/2, Bộ Tư Pháp Mỹ công khai cáo trạng chống lại Hytera Communications Corp – nhà cung cấp hệ thống vô tuyến di động chuyên nghiệp của Trung Quốc, còn được gọi là máy bộ đàm thường được lực lượng an ninh sử dụng. Trong đó, Hytera bị cáo buộc âm mưu cùng các nhân viên cũ của Motorola Solutions để đánh cắp công nghệ.

Các công tố viên cáo buộc Hytera và các nhân viên của họ đã dành 7 năm từ năm 2007 để âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của Motorola nhằm “thúc đẩy việc phát triển sản phẩm công nghệ di động của Hytera, đào tạo nhân viên và tiếp thị, bán các sản phẩm của công ty ra khắp thế giới”. Bản cáo trạng cũng nêu chi tiết về việc một nhóm nhân viên của các chi nhánh của Motorola ở Penang, Malaysia làm lộ bí mật thương mại.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Bộ Thương mại Mỹ cũng áp lệnh hạn chế thương mại với 34 viện nghiên cứu và thực thể của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền và phát triển các công nghệ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ như vũ khí kiểm soát não bộ. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu khác của nước này sử dụng công nghệ sinh học "để hỗ trợ các mục đích của quân đội Trung Quốc và người dùng cuối, bao gồm vũ khí điều khiển não có chủ đích”, theo thông báo trên Cơ quan Đăng ký Liên bang Mỹ. Trước đó không lâu, Mỹ đưa công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime Group của Trung Quốc vào danh sách đen về đầu tư.

Đầu tháng 6 năm/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sửa đổi lệnh cấm đầu tư vào công ty Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, theo đó đưa 59 doanh nghiệp có liên quan tới quân đội Trung Quốc hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát của nước này vào "danh sách đen". Danh sách này hiện có Huawei Technologies Co. và 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Trung Quốc, theo Bloomberg.

Giới chức Mỹ từ lâu luôn cho rằng hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của phía Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD và mất hàng nghìn việc làm. Họ cũng cho rằng hành động này đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuần trước, Hạ Viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ (America Competes Act). Theo đó, cùng với các điều khoản về quốc phòng và nhân quyền, Mỹ sẽ dành hơn 50 tỷ USD từ ngân sách sách liên bang để tài trợ cho việc sản xuất chất bán dẫn trong nước tới năm 2026.

Một luật tương tự - Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ (US Innovation and Competition Act) cũng đã được Thượng viện nước này thông qua với đa số phiếu bầu vào mùa hè năm ngoái. Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ cần thảo luận để đưa ra một đạo luật cuối cùng mà cả hai bên có thể thông qua và gửi lên để ông Biden ký ban hành luật.