Cổ phiếu Vietnam Airlines loạng choạng trong vùng thời tiết xấu
Sau chuỗi phiên tăng bùng nổ đột biến lên đỉnh cao nhất 26 tháng, cổ phiếu HVN của hãng hàng không Vietnam Airlines bị chốt lời dồn dập trong sáng nay. Thanh khoản đã tăng vọt lên mức kỷ lục kể từ tháng 3/2017...
Sau chuỗi phiên tăng bùng nổ đột biến lên đỉnh cao nhất 26 tháng, cổ phiếu HVN của hãng hàng không Vietnam Airlines bị chốt lời dồn dập trong sáng nay. Thanh khoản đã tăng vọt lên mức kỷ lục kể từ tháng 3/2017.
Dòng tiền tiếp tục yếu ở nhóm blue-chips đã khiến VN-Index sụt giảm thêm bất chấp nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng giá tưng bừng. Đà tăng nóng quá nhanh trong ngắn hạn cũng khuyến khích nhà đầu cơ chốt lời ở nhiều mã.
Cổ phiếu HVN xuất hiện lực xả khổng lồ khiến giá chao đảo dữ dội. Sau 8 phiên tăng với 2 phiên kịch trần liên tục gần đây, sáng nay HVN còn tiếp tục kịch trần thêm vài phút đầu phiên. Mức tăng trong hơn 8 phiên đã lên tới trên 43,7%, một biên lợi nhuận khủng khiếp.
Rất nhiều nhà đầu cơ đã tranh thủ xả hàng, đơn giản là lợi nhuận quá cao và khối lượng cổ phiếu khổng lồ mắc kẹt suốt thời gian dài đã “về bờ”. Đỉnh cao nhất sáng nay của HVN tới 30.650 đồng, tương đương giá hồi tháng 8/2019 (theo giá điều chỉnh), cao hơn cả giá trước khi bùng phát đại dịch Covid.
Mặc dù HVN có thông tin hỗ trợ phần nào, nhưng thông tin đó không lý giải được đà tăng giá mạnh trong thời gian rất ngắn. HVN còn có giá cao hơn cả khi hoạt động bình thường, chưa rơi vào cản lỗ thê thảm, dòng tiền kinh doanh cạn kiệt. Không có kỳ vọng nào quá lố đến như vậy vì kể cả khi mở cửa bầu trời trở lại, phải mất rất nhiều thời gian HVN mới vượt qua được cảnh khốn khó về tài chính.
Thanh khoản sáng nay của HVN tăng vọt lên 4,19 triệu cổ tương đương giá trị khớp lệnh gần 121 tỷ đồng. Lực bán đã đánh sập giá HVN từ mức kịch trần thanh giảm 4,19%. Mức giảm sâu nhất lúc 10h55 còn tới -6,46%.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ vẫn tiếp tục tăng mạnh nhưng độ nóng có phần giảm. VNSmallcap chốt phiên sáng tăng 1,16% với 110 mã tăng/62 mã giảm, trong đó 15 cổ phiếu tăng kịch trần. Nhóm kịch trần có những mã siêu khỏe như SJF, TDG, APG, TDH. Những cổ phiếu này không chỉ đang trong xu hướng tăng liên tục nhiều phiên kịch trần, mà còn có lượng dư mua chặn giá trần dồi dào. Những cổ phiếu còn lại tuy cũng kịch trần, nhưng giao dịch nhỏ, khối lượng dư mua thấp và giá cũng chưa trong giai đoạn cao trào.
Trong khi đó, nhóm blue-chips và midcap vẫn đang thể hiện sự yếu ớt. Midcap tăng nhẹ 0,23% với độ rộng cân bằng 39 mã tăng/24 mã giảm. VN30 thậm chí giảm 0,03% với 11 mã tăng/15 mã giảm.
Các blue-chips hiện chỉ có MSN tăng 3,62% làm trụ. POW tăng 1,3%, TPB tăng 1,06%, PNJ tăng 2,25% không có nhiều ảnh hưởng. VHM hôm nay điều chỉnh giá kỹ thuật, tham chiếu từ 107.000 đồng được giảm xuống còn 81.200 đồng. Như vậy cổ phiếu này đang tăng nhẹ 0,37%, tác động cũng không đáng kể.
Các trụ còn lại hầu hết giảm với mức độ khác nhau: VIC giảm 0,65%, VCB giảm 0,51%, SAB giảm 1,81%, VNM giảm 0,8%, TCB giảm 0,1%, ACB giảm 0,63%. Còn lại CTG, GAS, GVR tham chiếu. Với cơ cấu giảm áp đảo và gồm nhiều trụ như vậy, VN-Index chốt dưới tham chiếu 0,08%, độ rộng vẫn tích cực với 211 mã tăng/177 mã giảm nhờ nhóm smallcap.
Tổng giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục giảm 8%, đạt 10.806,8 tỷ đồng. Trong đó, mức giảm chủ yếu đến từ HoSE, giao dịch chỉ còn 9.084,5 tỷ đồng. Rổ VN30 giảm giao dịch hơn 10%, còn 3.223,8 tỷ đồng. Đây tiếp tục là kỷ lục thấp mới của VN30 kể từ cuối tháng 7/2021.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá hiền, với mức mua ròng nhẹ 26,6 tỷ đồng trên HoSE. VNM đang bị bán ròng lớn nhất với gần 35 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 25,6 tỷ và VHM bị bán ròng 18 tỷ. Phía mua ròng có MSN +32 tỷ, HSG +25,8 tỷ, KBC +20 tỷ là đáng kể.