Cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 150 ngàn tỷ đồng và 63.200 ha đất
Báo cáo về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 do Đoàn Giám sát của Quốc hội thực hiện cho biết trong giai đoạn này, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 73.253 đơn vị. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng và 63.200 ha đất...
Trong đó, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi 71.790 tỷ đồng, 31.287 ha đất; kiến nghị xử lý khác 78.377 tỷ đồng, 31.913 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp đối với 12.416 tổ chức, 42.455 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 330 vụ, 431 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Liên quan đến vi phạm về đất, Đoàn Giám sát “gọi tên” những bộ/ngành, địa phương có vi phạm lớn như Thừa Thiên Huế (23.575,55 ha), Đăk Nông (6.076,23 ha), Hà Giang (1.012,9 ha), Gia Lai (900,87 ha), Sơn La (745,72 ha), Lâm Đồng (531,47 ha), Long An (531 ha), Hà Tĩnh (484,9 ha), Vĩnh Phúc (479,96 ha), Bắc Giang (406,56 ha).
Liên quan đến vi phạm về tiền, Đăk Nông đứng đầu danh sách với 988,56 tỷ đồng, sau đó là Bộ Tài chính (875,78 tỷ đồng). Các địa phương, đơn vị khác có vi phạm lớn về tiền được nêu trong báo cáo của Đoàn Giám sát là Bắc Ninh (580,81 tỷ đồng), Phú Thọ (695,42 tỷ đồng), Quảng Ninh (405,37 tỷ đồng), Bạc Liêu (569,13 tỷ đồng), Tiền Giang (353,88 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (318,22 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 2016 – 2021, toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc thực hiện 49.440 kết luận thanh tra, kiểm tra; đã hoàn thành 47.793 kết luận (đạt tỷ lệ 97%).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 432.418,9 tỷ đồng (trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 72.390,7 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 107.067,6 tỷ đồng; xử lý khác 252.960,6 tỷ đồng).
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 290.644.295 tỷ đồng/365.455.197 tỷ đồng tổng kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước, bằng 79,53%.