19:27 15/10/2021

Cố vấn FDA khuyến nghị tiêm nhắc lại vaccine Moderna cho nhóm nguy cơ cao và người già

Đức Anh

FDA và CDC Mỹ trước đó đã cấp phép tiêm mũi vacccine tăng trưởng cho người trưởng thành có nguy cơ cao bằng vaccine của Pfizer...

Vaccine Covid-19 của Moderna - Ảnh: Getty Images
Vaccine Covid-19 của Moderna - Ảnh: Getty Images

Ủy ban tư vấn về vaccine và sinh phẩm liên quan của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 14/10 đã biểu quyết đưa ra khuyến nghị sử dụng vaccine của công ty Moderna để tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba) cho nhóm người trên 65 tuổi, người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc người có nguy cơ lây nhiễm cao do nghề nghiệp.

Dự kiến trong ngày 15/10, Ủy ban tư vấn về vaccine và sinh phẩm liên quan của FDA dự kiến thảo luận và biểu quyết về việc đưa ra khuyến nghị tương tự với vaccine của công ty Johnson & Johnson. Trước đó, tỷ lệ ủng hộ vaccine Moderna là 19-10.

Theo Reuters, nếu FDA quyết định sử dụng vaccine của Moderna để tiêm mũi tăng cường, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể về các đối tượng nên tiêm. Các cố vấn của CDC dự kiến họp mặt vào tuần tới để thảo luận về vấn đề này.

Giá cổ phiếu Moderna đã tăng gần 4% lên 330,71 USD/cổ phiếu sau cuộc biểu quyết trên.

Tuy nhiên, tiến sĩ Patrick Moore của trường y thuộc Đại học Pittsburgh School nhận định kết quả biểu quyết trên chủ yếu dựa trên cảm tính bởi dữ liệu hiện tại chưa thực sự mạnh. Trước đó, trong các tài liệu đăng tải ngày 13/10, nhân viên FDA cho biết dữ liệu của vaccine Moderna cho thấy mũi tăng cường giúp tăng lượng kháng thể trong cơ thể người. Tuy nhiên, chênh lệch về mức kháng thể trước và sau khi tiêm mũi tăng cường không đủ lớn theo một tiêu chí cụ thể của FDA, đặc biệt là ở những người có mức kháng thể cao.

Moderna hiện đang xin cấp phép tiêm mũi vaccine tăng cường với liều lượng 50 microgam – bằng một nửa so với liều thông thường nhưng vẫn cao hơn liều lượng 30 microgram của vaccine Pfizer/BioNTech – loại vaccine cũng sử dụng công nghệ mRNA như Moderna. Mũi vaccine tăng cường sẽ được tiêm cho những người đã tiêm hai mũi vaccine trong vòng 6 tháng trở lên.

Các quan chức y tế Mỹ đang chịu áp lực về việc cấp phép tiêm vaccine tăng cường sau khi Nhà Trắng hồi tháng 8 tuyên bố kế hoạch tiêm vaccine tăng cường và chỉ chờ FDA, CDC phê duyệt. Cả hai cơ quan này trước đó đều chấp thuận tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Pfizer/BioNTech cho người trưởng thành có nguy cơ lây nhiễm cao. Từ đó đến nay, gần 9 triệu người tại Mỹ đã được tiêm mũi thứ ba, theo dữ liệu tính tới ngày 13/10 của FDA.

Đến nay Mỹ đã tiêm mũi vaccine tăng cường cho 9 triệu người - Ảnh: AP
Đến nay Mỹ đã tiêm mũi vaccine tăng cường cho 9 triệu người - Ảnh: AP

Hội đồng cố vấn của FDA ngày 14/10 đã nghe các bài thuyết trình của một số quan chức y tế từ Israel rằng việc tiêm mũi tăng cường bằng Pfizer/BioNTech đã giúp hạn chế làn sóng lây nhiễm mới tại quốc gia của họ. Các quan chức này cho biết chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường tại Israel đã giúp bảo vệ người bị lây nhiễm từ 40 tuổi trở lên khỏi tình trạng bệnh nặng.

“Chúng ta đang chứng kiến đường cong lây nhiễm tại Israel đã bị phá vỡ”, Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis, giám đốc dịch vụ y tế công cộng thuộc Bộ Y tế Israel, cho biết.

Bà Alroy-Preis cho biết chương trình mũi vaccine tăng cường, hiện hướng tới 50% dân số ở mọi độ tuổi, đã bắt đầu giúp giảm số ca lây nhiễm, kể cả ở nhóm người chưa tiêm vaccine tại Israel.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ofer Levy, một chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Nhi Boston và là thành viên hội đồng cố vấn của FDA, lưu ý rằng Mỹ và Israel có đặc điểm dân số khác nhau và loại vaccine mà Israel sử dụng cũng khác dù tương tự với vaccine Moderna.

Tại Mỹ, làn sóng lây nhiễm biến thể Delta đã bắt đầu hạ nhiệt với số ca nhiễm Covid-19 bình quân 7 ngày giảm 12% so với tuần trước đó, còn số ca tử vong bình quân 7 ngày đã giảm 5%. Tuy nhiên, nước này vẫn ghi nhận hơn 1.250 ca tử vong/ngày, chủ yếu ở những người chưa tiêm vaccine.