15:00 04/03/2011

Còn 289 lao động Việt Nam kẹt tại Libya

Quỳnh Anh

Tính đến hết ngày 3/3, đã có gần 10 nghìn lao động Việt Nam sơ tán khỏi Libya

Dòng người nước ngoài tìm cách chạy khỏi Libya, tại một sân bay ở thành phố Djerba - Ảnh: Reuters.
Dòng người nước ngoài tìm cách chạy khỏi Libya, tại một sân bay ở thành phố Djerba - Ảnh: Reuters.
Tính đến hết ngày 3/3, đã có gần 10 nghìn lao động Việt Nam sơ tán khỏi Libya sang Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Malta…, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ngày 4/3.

Trong số đó, có gần 5.500 lao động đã và đang được đưa về Việt Nam.

Số còn lại ở các nước thứ 3 bao gồm 1.600 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 1.500 ở Tunisia, 300 ở Malta, 292 ở Algeria, 200 ở Ai Cập, 160 ở Hy Lạp và 139  ở Síp. Hiện, tất cả số lao động đang ở Ai Cập, Hy Lạp, Malta, Síp và khoảng 1.000 lao động tại thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt vé máy bay để về Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 289 lao động Việt Nam vẫn đang ở trong nội địa của Libya, song số này vẫn giữ được liên lạc thường xuyên.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với Văn phòng Đại diện Nhà nước Libya tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ số lao động này về nước trong thời gian sớm nhất. Phía Libya cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tất cả lao động Việt Nam rời khỏi Libya trong một vài ngày tới.

Theo nguồn tin từ Website Chính phủ, cũng trong ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ phải tiếp tục khẩn trương, quyết liệt, bằng các biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn và tiếp tục đưa người lao động Việt Nam tại Libya về nước trong thời gian sớm nhất.

Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng: Lao động - Thương Binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Hàng không Việt Nam… nhằm tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn, khẩn trương đưa đưa lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Điều đáng mừng là đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về trường hợp công dân của nước ta bị thương vong do sự mất ổn định về chính trị và xã hội ở Libya.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Libya và các tổ chức quốc tế khẩn trương sơ tán số lao động Việt Nam còn lại hiện đang mắc kẹt tại Libya sang nước thứ 3.

Đồng thời, lên kế hoạch cụ thể, nhanh chóng đưa số lao động đã rời khỏi Libya về nước bằng mọi phương tiện như tiếp tục cử chuyên cơ của hàng không Việt Nam, thuê máy bay của các hãng hàng không nước ngoài, vận động đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế mua vé máy bay cho người lao động về nước…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân về chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Libya về nước, đặc biệt đối với số lao động ở các huyện nghèo và số lao động mới sang Libya dưới 1 năm.

* 63 lao động Việt Nam đang kẹt lại trong một nhà máy của thành phố Mitsurata (Lybia) đã nhiều lần gọi điện về nước kêu cứu. Anh Bùi Đức Phi, một trong số những lao động bị kẹt nói trên cho biết, nhóm của anh được đưa sang Libya làm việc qua công ty Sona (57 người) và công ty Việt Thắng (6 người). Theo anh Phi, anh và nhóm lao động đã nhiều lần liên lạc về công ty Sona ở Việt Nam và nhận được câu trả lời là sẽ có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam đón, đưa khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, anh Phi bày tỏ lo lắng khi lương thực dự trữ của nhóm công nhân này đã hết và bạo loạn vẫn diễn ra căng thẳng bên ngoài. “Chúng tôi rất hoang mang vì không biết sẽ phải ở đây đến bao giờ. Công việc hàng ngày bây giờ là chỉ biết sạc pin điện thoại để cố gắng gọi về nước cầu cứu. Chúng tôi có gọi điện cho Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) theo số điện thoại mà phóng viên cung cấp nhưng không thể trình bày được gì vì không biết tiếng Anh”, anh Phi nói.

VnEconomy đã liên hệ với Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) và được Giám đốc Đặng Huy Hồng xác nhận có nhóm lao động trên. Tuy nhiên, ông Hồng cũng không thể đưa ra một giải pháp hay phương án di dời lao động trong những ngày tới. “Tình hình ở Libya rất phức tạp, vì thế, lúc này ở trong nhà máy sẽ an toàn hơn rất nhiều”, ông Hồng nói. Đến chiều 3/3, lãnh đạo Sona gọi điện thông báo với VnEconomy nhóm lao động nói trên đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đến “giải cứu” và đưa sang Tunisia. Tuy nhiên đến sáng 4/3, những lao động này tiếp tục gọi cho VnEconomy và cho biết, vẫn chưa có ai cứu họ ra khỏi vùng nguy hiểm.