21:50 05/01/2024

Còn hơn 400 dự án chậm đưa đất vào sử dụng chưa được xử lý

Nhĩ Anh

Trong số hơn 900 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường đã tham mưu, xử lý xong, thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động 172 dự án, công trình với diện tích gần 7.000 ha. Vẫn còn hơn 400 dự án chậm đưa đất vào sử dụng chưa được xử lý với tổng diện tích hơn 18.300 ha...

Đã xử lý xong (đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động dự án) 172/908 dự án, với diện tích là 6.922 ha. Ảnh  minh họa
Đã xử lý xong (đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động dự án) 172/908 dự án, với diện tích là 6.922 ha. Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, nhằm quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh đồng thời với việc hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến nay, có 23 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Trong đó, có 6 tỉnh đã nộp hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) gồm Long An, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bắc Giang.

Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.

Bộ đã hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia: Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, sân bay Quốc tế Long Thành...

Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, toàn Ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua rà soát, cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng (còn vướng mắc chưa xử lý), với diện tích là 28.155 ha. Trong đó, đã xử lý gia hạn sử dụng đất 226/908 dự án, với diện tích là 1.719 ha; đang xử lý 106/908 dự án, với diện tích là 1.206 ha. Bên cạnh đó vẫn còn 404/908 dự án công trình chưa xử lý với diện tích là 18.308 ha.

Còn hơn 400 dự án chậm đưa đất vào sử dụng chưa được xử lý - Ảnh 1

Bộ cũng đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao và tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.

Theo đó, qua tổng hợp báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất còn hạn chế. Kết quả thống kê đất đai năm 2022/chỉ tiêu đến hết năm 2025 với đất trồng lúa thực hiện giảm 12,02 nghìn ha/184,21 nghìn ha, đạt tỷ lệ trung bình 6,53%; đất rừng phòng hộ thực hiện tăng 3,94 nghìn ha/53,43 nghìn ha, đạt 7,37%; đất giao  thông, thực hiện tăng 11,71 nghìn ha/109,71 nghìn ha, đạt 10,67%; đất khu công nghiệp, thực hiện tăng 2,84 nghìn ha/62,01 nghìn ha, đạt tỷ lệ 4,58%; đất công trình năng lượng, thực hiện tăng 6,06 nghìn ha/54,06 nghìn ha, đạt 11,23%..

Trong khi đó, nhiều địa phương đang đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, chủ yếu tập trung vào đất trồng lúa, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng…

Cụ thể, qua tổng hợp số liệu đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của các địa phương: đối với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa có 1 tỉnh đề xuất tăng 120 ha và 29 tỉnh đề xuất giảm với diện tích là 90.781 ha thì đến năm 2025 cả nước còn 3,642 triệu ha, tiệm cận diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm quốc gia (2021-2025) là 3,568 ha.

Đất khu công nghiệp có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất tăng với diện tích 46.038 ha, chỉ có 1 tỉnh đề xuất giảm 58 ha; đất giao thông có 31 tỉnh đề xuất tăng với diện tích là 32.701 ha, không có địa phương đề xuất giảm.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho biết, đến nay, cả nước đã cấp được hơn 44 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích đã cấp giấy chứng nhận đạt trên 23,6 triệu ha, chiếm tỷ lệ khoảng 97,6% diện tích cần cấp.

Đến nay, có 455/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp;

Có 46/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống một cửa điện tử.