14:48 23/05/2023

Năm 2023, tập trung thanh kiểm tra các dự án không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng

Ánh Tuyết

Tại kỳ họp Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, năm 2023 sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các các dự án chậm sử dụng đất, đầu tư công, quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ...

Thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên 10 nghìn ha trong năm 2022.
Thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên 10 nghìn ha trong năm 2022.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên toàn thể kỳ họp Quốc hội sáng ngày 23/5.

CẢ NƯỚC TIẾT KIỆM GẦN 54.000 TỶ ĐỒNG

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2022 cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

 

Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong như: tiết kiệm chi thường xuyên; tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỷ đồng.

(Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022).

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách như: Bộ Quốc phòng 2.556 tỷ đồng, Bộ Công an 1.896 tỷ đồng, Bộ Tài chính 328 tỷ đồng, Hà Nội 5.868 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 1.855 tỷ đồng, Bình Dương 338 tỷ đồng...

Cụ thể, việc triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2022; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, báo cáo của Chính phủ nêu rõ vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai như đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa... Khiếu kiện đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 96,97%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo.

Năm 2022, ngành tài nguyên và môi kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha. Tại các địa phương, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai.

Cụ thể, Bắc Ninh thu hồi 807.355,5 m2 đất; Đắk Lắk thu hồi 0,4 ha đất, Quảng Nam phát hiện sai phạm 148.355,7 m2 đất, Vĩnh Phúc thu hồi 18,77 ha đất...

Về mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. 

Theo báo cáo, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương mua mới 228 chiếc xe ô tô, 33 phương tiện vận tải khác và 9.971 máy móc thiết bị chuyên dùng. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguyên giá tài sản công cập nhật là 1.777.122,53 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với tài sản là quyền sử dụng đất 1.123.845,70 tỷ đồng, tài sản là nhà 453.373,25 tỷ đồng; vật kiến trúc 41.718,54 tỷ đồng; ô tô 26.010,89 tỷ đồng; tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.142,47 tỷ đồng; máy móc, thiết bị 105.534,04 tỷ đồng, cây lâu năm, súc vật làm việc: 290,09 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình khác 16.995,08 tỷ đồng; tài sản cố định vô hình 8.191,78 tỷ đồng; tài sản cố định đặc thù 30,70 tỷ đồng.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, “công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ bất cập. Một số doanh nghiệp được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt.

XỬ NGHIÊM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐỂ XẢY RA THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, theo chương trình năm 2023, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.

 

Trong đó, “cần tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất, trọng tâm là các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm sử dụng đất; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực dưới đây.

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; việc mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa ở các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, về quản lý ngân sách nhà nước.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản pháp luật liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách. 

Ba là, về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Bốn là, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của tất cả các tài sản công được quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Năm là, về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan theo định hướng tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất. Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Sáu là, về quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022.

Bảy là, về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.

Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan, nhà nước, tiết kiệm chi và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức.