15:59 06/09/2024

“Cơn sốt” đồ chơi nghệ thuật lan rộng khắp Đông Nam Á

Tuệ Mỹ

Đồ chơi giờ đã không còn là sản phẩm độc quyền riêng cho trẻ em khi các nhà sản xuất đang hướng tới nhiều đối tượng khác, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người sưu tầm đồ chơi đã biến chúng thành một thú vui riêng...

Ảnh: Nation Thailand
Ảnh: Nation Thailand

Cuối tháng 8, Pop Mart (hay Bubble Mart), đơn vị sản xuất blind box với món đồ chơi Labubu “gây sốt” gần đây, công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024. Theo báo cáo, doanh thu của nhà sản xuất có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng 62%, đạt mức 4,56 tỷ NDT (khoảng 15.900 tỷ đồng). Lợi nhuận ròng tăng đến 93,3%, vươn lên mức 921 triệu NDT (khoảng 3.200 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính nửa đầu năm cũng cho thấy sự thành công của chiến lược mở rộng kinh doanh ra nước ngoài của thương hiệu. Pop Mart hiện bán sản phẩm của mình tại 30 quốc gia thông qua các cửa hàng trực tuyến hoặc cửa hàng truyền thống. Doanh thu nửa đầu năm ở nước ngoài của công ty đã tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,35 tỷ nhân dân tệ (tương đương 189,90 triệu USD), giúp nâng doanh thu toàn cầu thêm 60%, bù đắp cho thực trạng tiêu dùng ảm đạm ở Trung Quốc. “Chúng tôi tự tin đạt doanh số 10 tỷ NDT (khoảng 35.000 tỷ đồng) trong năm nay”, nhà sáng lập Pop Mart tuyên bố vào ngày 21/8.

Pop Mart hiện bán sản phẩm của mình tại 30 quốc gia thông qua các cửa hàng trực tuyến hoặc cửa hàng truyền thống.
Pop Mart hiện bán sản phẩm của mình tại 30 quốc gia thông qua các cửa hàng trực tuyến hoặc cửa hàng truyền thống.

Các sản phẩm đáng chú ý như Molly, The Monsters và Skullpanda vẫn góp phần lớn vào sự tăng trưởng doanh thu của nhà sản xuất blind box này. Trong đó, bộ sưu tập The Monsters, bao gồm nhân vật nổi tiếng Labubu, tạo ra 672 triệu NDT (khoảng 2.300 tỷ đồng), tăng trưởng 292,2%. Cũng theo báo cáo doanh thu nửa đầu năm, Đông Nam Á là thị trưởng tăng trưởng nhanh nhất của Pop Mart với tỷ lệ 478,3%. Trong khi đó, thị trường Bắc Mỹ về nhì, tăng 377,7%.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên lên cơn sốt săn tìm Labubu bởi chạy theo hot trend của ca sĩ Lisa nhóm Black Pink. Số lượng người mua tăng đột biến tại Thái Lan không chỉ dẫn tới sự khan hiếm sản phẩm, mà còn đẩy giá thành của món đồ chơi này lên cao. Hiện nay, một mẫu Labubu có thể đạt tới 2.590 Baht Thái (tương đương 1,7 triệu đồng), cao nhiều hơn so với giá bán 99 NDT ban đầu tại Trung Quốc. Có mẫu còn được ‘‘hét giá’’ tới 22 triệu đồng mà vẫn nhanh chóng bán hết hàng.

Trước sự nổi tiếng đáng kinh ngạc của Labubu tại thị trường Thái Lan, phía Pop Mart lập tức cho ra mắt Pop Mart Concept Store Megabangna, lấy Labubu làm chủ đề chính. Đây cũng là cửa hàng chính thức đầu tiên và lớn nhất tại Đông Nam Á của Pop Mart. "Người Thái rất thích Labubu. Khi một bộ sưu tập mới được ra mắt, các sản phẩm đều bán hết trong vòng một ngày. Dù chúng tôi có bao nhiêu hàng tồn kho thì cũng không bao giờ là đủ, chưa kể Thái Lan có lượng hàng tồn kho Labubu lớn nhất Châu Á," bà Siriporn Plangchantuk, Tổng Giám đốc Pop Mart Thái Lan chia sẻ với Bangkok Post.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước châu Á đầu tiên lên cơn sốt săn tìm Labubu.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước châu Á đầu tiên lên cơn sốt săn tìm Labubu.

Từ Thái Lan, ‘‘cơn sốt’’ Labubu nhanh chóng lan sang các nước khác tại Đông Nam Á, rồi đến châu Á và hiện tại là toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, Pop Mart còn kết hợp yếu tố địa phương vào các mẫu đồ chơi của mình để tạo cảm giác gần gũi đối với người mua. Mô hình này giúp thương hiệu dễ dàng ‘‘thâm nhập’’ vào thị trường, tạo giá trị thương mại, vừa mở ra cơ hội sáng tạo cho nghệ sĩ địa phương. Ví dụ tại thị trường Singapore, Pop Mart đã cho ra mắt mẫu Labubu Merlion mô phỏng biểu tượng sư tử biển nổi tiếng. Sản phẩm này đã được bán hết sạch với mức giá 28 USD/ mẫu (khoảng 700.000 đồng).

Pop Mart cũng đã tổ chức triển lãm thường niên lần thứ hai tại Singapore với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ nổi tiếng. Doanh nghiệp đồ chơi sưu tầm này cũng đang xem xét thiết lập trụ sở quốc tế tại Singapore. “Nếu muốn triển khai bất kỳ hoạt động gì ở Đông Nam Á, Singapore chính là nơi thử nghiệm tốt để xem liệu ý tưởng có hiệu quả hay không và sau đó điều chỉnh theo những phản hồi từ thị trường này”, ông Jeremy Lee, Giám đốc Tiếp cận Thị trường Đông Nam Á của Pop Mart International tiết lộ bên lề Triển lãm Pop Toy.

Sau Thái Lan và Singapore, nhà sản xuất Pop Mart chọn Việt Nam là điểm đến trong chiến lược mở rộng kinh doanh năm nay. Cửa hàng Pop Mart đầu tiên tại Việt Nam (tọa lạc tại Crescent Mall, TP.HCM) mang đến cho người trẻ đam mê đồ chơi nghệ thuật cơ hội sở hữu sản phẩm chính hãng, không cần phải mua qua người bán hàng trung gian. Nơi đây cung cấp đầy đủ các mẫu Labubu chính hãng, bao gồm phiên bản đồ chơi giới hạn ra mắt cùng thời điểm với các quốc gia khác.

Triển lãm Pop Toy dành riêng cho những người sưu tầm đồ chơi nghệ thuật được tổ chức tháng 8 vừa qua tại Singapore.
Triển lãm Pop Toy dành riêng cho những người sưu tầm đồ chơi nghệ thuật được tổ chức tháng 8 vừa qua tại Singapore.

Theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric, doanh thu đến từ các mặt hàng chứa từ khoá “Labubu” (chính hãng, xách tay) tại Việt Nam đạt 5,2 tỷ đồng trong quý 2. Đây là số liệu ghi nhận từ 3 nền tảng mua sắm trực tuyến, bao gồm Shopee, Lazada và TikTok Shop. Con số này đánh dấu mức tăng trưởng 665% so với quý 1 năm nay. Phân khúc giá cho các sản phẩm liên quan đến Labubu trên sàn thương mại điện tử Việt Nam dao động từ 700.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng.

Sự bùng nổ doanh số của Labubu đã góp phần tác động mạnh mẽ đến vị thế của Pop Mart trên thị trường đồ chơi nghệ thuật. Đây không chỉ là thành công của riêng thương hiệu đồ chơi nghệ thuật đến từ Trung Quốc, mà còn là tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp này nói chung. Theo Metastat Insight, thị trường đồ chơi nghệ thuật toàn cầu ước tính sẽ đạt 62.131 triệu USD vào năm 2030. Cũng theo Metastat Insight, Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương là hai khu vực có đóng góp nhiều nhất vào thị trường đồ chơi nghệ thuật toàn cầu.

Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, cho thấy tiềm năng lớn. Không chỉ Pop Mart, mà các thương hiệu khác bao gồm: Heyone, Hidden Wooo, Wazzupbaby, Lamtoys, ToyCity, SankToys, Dodowo và KKV cũng đang thăm dò thị trường này. Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu Statista của Đức, thị trường đồ chơi ở Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 5,64 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng lên 6,52 tỷ USD năm 2028.

Thị trường đồ chơi nghệ thuật toàn cầu dự kiến đạt 62.131 triệu USD vào năm 2030.
Thị trường đồ chơi nghệ thuật toàn cầu dự kiến đạt 62.131 triệu USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, vẫn có những công ty đang gặp phải rào cản trong việc truyền tải ý tưởng sản phẩm của họ đến đối tượng quốc tế vì các thiết kế thường dựa trên văn hóa hoặc câu chuyện của Trung Quốc. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp Trung Quốc cũng cần có cho mình chiến lược tiếp thị mới, mở rộng từ việc sử dụng các ứng dụng như Douyin hay WeChat sang YouTube, Facebook và Instagram. Nhạy bén với xu hướng, Pop Mart đang mở rộng hiện diện thương mại điện tử của mình trên các nền tảng như Shopee, Lazada và TikTok Shop.

 

Labubu là một nhân vật trong Vương quốc Quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung từ năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu. Sau nhiều lần thay đổi thiết kế, chú thỏ răng nhọn này có tạo hình bầu bĩnh đáng yêu như hiện tại, phù hợp với xu hướng diện trang phục, đeo phụ kiện dễ thương thịnh hành từ mùa mốt năm ngoái. Đến nay, hơn 10 bộ sưu tập Labubu được phát hành.